Trẻ nhỏ sinh ra với khoảng 300 chiếc xương, nhiều hơn ở người trưởng thành gần 100 xương và các xương luôn phát triển, thay đổi hình dạng mỗi ngày.
Dù trông tương đối cứng nhưng xương được hình thành từ mô sống và canxi. Các mô này bao gồm màng xương (màng dày ở mặt ngoài của xương), xương đặc (lớp cứng, mịn bên trong xương), tế bào hủy xương (là những tế bào xuất phát từ tế bào tạo máu, có chức năng đục bỏ xương cũ hay xương bị tổn hại qua một quá trình phân hủy chất khoáng), tủy xương (phần lõi tạo ra các tế bào máu). Quá trình phát triển xương được gọi là quá trình hóa xương, thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 8 của thai kỳ. Tuy nhiên, một số xương ở trẻ sơ sinh được cấu tạo hoàn toàn từ sụn để giúp bé linh hoạt, có thể cuộn tròn trong không gian hạn chế ở tử cung trước khi chào đời.
Khi trẻ lớn dần, phần lớn sụn xương sẽ được thay thế bằng xương thực sự. Nhiều xương sẽ hợp nhất với nhau và khoảng trống ngăn cách các đầu của hai xương hợp nhất gọi là lớp sụn. Đây chính là lý do vì sao người trưởng thành lại chỉ còn 206 xương.
Việc thay thế sụn bằng xương hợp nhất bắt đầu khi các mao mạch vận chuyển máu và chất dinh dưỡng đến các nguyên bào xương, từ đó hình thành nên các tế bào xương mới. Canxi là khoáng chất cần thiết trong quá trình hình thành mô xương mới.
Ở mỗi đầu của xương dài đều có các đĩa tăng trưởng, quyết định kích thước và hình dạng cuối cùng của xương. Khi một người ngừng phát triển, các đĩa tăng trưởng đóng lại. Ở trẻ nhỏ, các đĩa tăng trưởng yếu hơn các bộ phận của khung xương nên dễ bị gãy xương và các chấn thương so với người lớn.
Đến giai đoạn trưởng thành, sự hợp nhất của xương và sự phát triển của xương đã ngừng lại. Xương khi đó đã có độ chắc nhất định nhưng lại rất nhẹ. Người trưởng thành có 206 xương, chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Xương liên tục trải qua một quá trình gọi là sửa chữa hay nói cách khác là sự hình thành mô xương mới và sự phân hủy xương cũ thành canxi và các khoáng chất khác, giải phóng vào máu. Đây được gọi là quá trình tiêu xương và là chức năng sinh lý bình thường của xương, diễn ra suốt cuộc đời nhưng với trẻ nhỏ, quá trình hình thành xương mới diễn ra nhanh hơn quá trình tái hấp thu.
Cách giúp xương phát triển khỏe mạnh
Tuổi tác, mãn kinh, uống nhiều rượu... là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy quá trình mất xương ở cơ thể mà điển hình là loãng xương. Quá trình phát triển và hợp nhất xương ở trẻ nhỏ có vai trò quan trọng đến sự phát triển về vóc dáng, hình thể. Một vài cách có thể giúp xương phát triển khỏe mạnh gồm:
Cung cấp đủ canxi trong chế độ ăn uống: Cơ thể không tạo ra canxi, vì vậy tất cả lượng canxi đều được bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Thực phẩm giàu canxi lành mạnh bao gồm các chế phẩm từ sữa ít béo (sữa, pho mát, sữa chua), các loại hạt hạnh nhân, đậu trắng và các loại rau xanh như rau bina và rau cải thìa...
Tập luyện thể thao: Tạo dựng thói quen tập luyện hàng ngày với các bài tập như đi bộ, nâng tạ, bơi lội...
Cung cấp đủ vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Bổ sung đủ protein cũng rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của xương và cơ. Nếu có những thay đổi trong chế độ ăn uống của trẻ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để có phương pháp bổ sung hợp lý.