Sai lầm khi phát triển chiều cao cho con bằng thực đơn dày đặc thịt bò, tôm
01:32 20/10/2022
Rất nhiều người muốn con cao lớn đã ép con ăn những thực phẩm được cho là “béo bổ”, nhất là giai đoạn tuổi dậy thì. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là một sai lầm cần phải thay đổi.
Đối với trẻ, tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển rất nhanh về mặt thể chất, đặc biệt là chiều cao. Tuy nhiên, để có được thành quả đó, trẻ phải được chăm sóc trong cả một quá trình dài, ngay từ khi chào đời. Thế nhưng, nhiều phụ huynh có quan điểm đợi con dậy thì mới chăm sóc, cho con ăn những món được cho là thúc đẩy chiều cao tốt. Thực tế, các chuyên gia cho rằng đây là một sai lầm, nhưng được rất nhiều phụ huynh áp dụng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, để trẻ phát triển được chiều cao cần dựa vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, gen, lối sống… Trong đó, dinh dưỡng rất quan trọng nhưng phải được áp dụng đúng cách.
Cụ thể, trẻ phải được chăm sóc từ trong bụng mẹ, rồi qua các giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, từng độ tuổi sau đó, kết hợp những yếu tố khác mới có thể phát triển toàn diện được, trong đó có chiều cao. Việc đợi con đến tuổi mới thúc trẻ phát triển, khi đó chiều cao không những không tăng được nhiều mà nguy cơ béo phì rất lớn.
Điển hình như trường hợp của cháu Gia Bảo (14 tuổi, Hà Nội) được mẹ đưa đi khám vì tăng hơn 10kg trong vòng 6 tháng, còn chiều cao dường như giậm chân tại chỗ. Theo chia sẻ của mẹ cháu Gia Bảo, trước đó nghe các đồng nghiệp cùng cơ quan và tìm hiểu trên mạng chị được biết, con ở tuổi dậy thì muốn phát triển chiều cao cần cho ăn nhiều thịt bò, tôm, cua, cá vì có nhiều sắt, canxi.
Kể từ đó, chị tự tay lên thực đơn, chế biến món ăn cho con trai. Theo đó, thịt lợn, gà gần như bị loại khỏi thực đơn hàng ngày, rau cũng không ăn nhiều, trong khi thịt bò, tôm, cua, cá xuất hiện thường xuyên và được chế biến thành nhiều món khác nhau trong các bữa ăn. Ví dụ như thịt bò ăn 5 bữa/tuần với các món xào, bít tết, hầm sốt vang… Hay tôm cũng được chị lên thực đơn 6 bữa/tuần.
Kết quả trong nửa năm, bé Gia Bảo tăng hơn 10kg mà chiều cao lại không thay đổi mấy, chỉ ở mức 1,56 mét. Khi cân nặng tăng nhanh, bé Gia Bảo lười vận động, ngủ nhiều nên tình trạng “lăn nhanh hơn đi” càng trầm trọng và cuối cùng phải đưa đi khám để thay đổi lại chế độ dinh dưỡng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để trẻ phát triển cân đối, cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, không tập trung vào một nhóm thực phẩm nào.
Với trường hợp như bé Gia Bảo, đang ở giai đoạn dậy thì cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất (bột đường, đạm, protein, vitamin và khoáng chất), nhưng điều luôn cần ghi nhớ là: Bổ sung cân đối hàng ngày.
PGS Lâm giải thích: Trẻ phải được ăn đủ ngày 3 bữa, mỗi bữa chính 2 lưng cơm, 80g thịt/cá, 2 bìa đậu mơ hoặc 1 quả trứng; rau xanh: 150g/bữa, quả chín: 200-300g/ngày. Thực đơn này theo chuyên gia được áp dụng ở hai bữa trưa, tối. Đối với bữa sáng có thể thay đổi các món như mì, bún, phở... Ngoài ra, thực đơn cần phải thay đổi hàng ngày và đa dạng hóa thực phẩm, không nhất thiết ăn cá, tôm hay thịt bò nhiều hơn thịt khác.
“Việc ăn nhiều thịt, hay chất đạm nói chung như trường hợp trên sẽ tăng gánh nặng cho gan, thận… làm tăng acid uric máu, mỡ máu - đây là những nhân tố gây ra những bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, gout... ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống về sau”, PGS Lâm cảnh báo.
Ngoài ăn uống, trẻ cần được chăm sóc giấc ngủ tốt, không thức khuya, kết hợp với tăng cường hoạt động thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần.