Những thực phẩm nên cho trẻ ăn và uống sau ngộ độc
16:19 21/11/2022
Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, chất điện giải, ăn thức ăn nhạt, mềm, nhẹ nhàng cho dạ dày như trứng, chuối, cơm…
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi mầm bệnh xâm nhập vào thức ăn, nước uống. Ngay khi ăn phải thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh, người bị ngộ độc thực phẩm thường gặp các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, dạ dày khó chịu...
Ngộ độc thực phẩm phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi. Các bé dễ bị mất nước hơn người lớn và cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể rơi vào hôn mê, thậm chí tử vong. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sau ngộ độc thực phẩm.
Uống nhiều nước: Trẻ ngộ độc thường bị nôn ói, tiêu chảy kéo dài, tình trạng này gây mất nước. Chất lỏng có vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại các hiệu ứng ngộ độc thực phẩm. Sau khi nôn 1-2 giờ, người lớn nên cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ. Lưu ý không cho trẻ uống nước ngay sau khi nôn.
Ngoài nước lọc thì đồ uống thể thao, oresol bù nước, chất điện giải, nước hầm xương, nước luộc rau... cũng là giải pháp thay thế giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước trong thời gian này.
Ăn thức ăn nhạt: Trẻ nên ăn những thức ăn nhẹ nhàng cho dạ dày và đường tiêu hóa để tránh kích thích cơn buồn nôn, giảm khó chịu. Thực phẩm được đề xuất là thức ăn nhạt, ít chất béo, ít chất xơ, bao gồm chuối, ngũ cốc, lòng trắng trứng, mật ong, khoai tây hấp hoặc luộc, cơm, sốt táo...
Uống nước gừng ấm với mật ong: Nếu trẻ trên một tuổi, bạn có thể thử cho con uống nước gừng ấm, hoặc thêm chút mật ong. Gừng có tác dụng làm dịu dạ dày, giảm cơn đau do ngộ độc thực phẩm.
Sữa chua: Khoảng 1-2 tuần sau khi hồi phục do ngộ độc thực phẩm, cha mẹ có thể cho con ăn sữa chua tự nhiên hoặc viên nang lợi khuẩn trong ít nhất 2 tuần để tái tạo các vi khuẩn lành mạnh bị mất trong quá trình thanh lọc ngộ độc thực phẩm và giúp hệ thống tiêu hóa và hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường trở lại.
Những loại thực phẩm và đồ uống cần tránh
Để tránh tái ngộ độc hoặc làm các triệu chứng kéo dài, trẻ nên hạn chế các thức uống có chứa caffein hay có trong nước ngọt, soda; thức ăn cay; thực phẩm giàu chất xơ; sữa và các sản phẩm từ sữa; đồ ăn nhiều chất béo, chiên rán; thực phẩm chế biến sẵn; gia vị; các loại nước ép trái cây...
Các triệu chứng nghiêm trọng của ngộ độc thực phẩm bao gồm: đi ngoài ra máu, mờ mắt, đau bụng dữ dội, tiêu chảy trên 3 ngày... Tất cả các trường hợp này đều cần được theo dõi và chăm sóc y tế sát sao. Trẻ sơ sinh và trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như HIV, gan, tiểu đường... dễ gặp phải biến chứng nặng do ngộ độc thực phẩm.
Người lớn có thể giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho trẻ bằng cách thực hiện đúng quy tắc ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ; đảm bảo vệ sinh khi sơ chế, chế biến; không để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín; không cho trẻ ăn thức ăn lạ, đồ tái, muối chua; không cho trẻ ăn thức ăn đã để qua ngày; tất cả các thực phẩm cần bảo quản đúng nguyên tắc, tránh ruồi, muỗi, chuột..; tạo thói quen rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh.