Tình trạng biếng ăn có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau cùng các hình thức bệnh lý. Trong đó, nguyên nhân có thể đến từ rối loạn tâm lý.
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một số nghiên cứu cho thấy có tới 20-50% trẻ em ở độ tuổi từ 6 đến 36 tháng xuất hiện triệu chứng biếng ăn. Đây là hiện tượng mất hoặc giảm cảm giác thèm ăn, trẻ ăn ít hơn bình thường, ăn thức ăn có chọn lọc, thậm chí không chịu ăn, sợ thấy thức ăn.
Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thị Lương Hạnh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay phụ huynh có thể nhận diện tình trạng biếng ăn ở trẻ thông qua một số dấu hiệu:
Trẻ giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn, khiến trẻ không nhận đủ lượng thức ăn theo nhu cầu.
Khi ăn không đủ lượng yêu cầu của lứa tuổi, thời gian ăn kéo quá dài trên 30 phút.
Thường kén chọn thức ăn, ăn chậm và không hứng thú với ăn.
Từ chối ăn trong vòng một tháng, không tăng trưởng.
Chế độ ăn uống nghèo nàn so với nhu cầu khuyến nghị.
Nguyên nhân
TS Hạnh cho hay có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng biếng ăn ở trẻ. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Biếng ăn do bệnh lý:
Trong một số trẻ hợp, trẻ sẽ xuất hiện tình trạng biếng ăn khi mắc suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…
“Khi gặp nguyên nhân này, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Ngoài ra, các bệnh lý như đau viêm loét tại miệng, lưỡi, họng cũng có thể khiến trẻ lười ăn. Cụ thể, những vết viêm loét ngay tại vùng miệng, do nhiễm khuẩn, virus, đau răng, viêm amidan… sẽ làm trẻ bị đau khi ăn.
Mặt khác, một số trẻ bị bệnh bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch cũng gây khó nuốt, khó nhai… từ đó hạn chế trong ăn uống.
Biếng ăn do tâm lý:
“Đây là nguyên nhân thường gặp và khá phổ biến. Cha mẹ thường không hiểu tâm lý trẻ, có xu hướng ép buộc trẻ ăn, tâm lý ‘nhồi nhét’ thức ăn bằng mọi giá dẫn đến trẻ sợ ăn mỗi khi đến bữa, không khí bữa ăn căng thẳng”, TS Hạnh nhận định.
Thiếu các men tiêu hóa, vi chất dinh dưỡng
Trong một số trường hợp cơ thể bị suy dinh dưỡng, trẻ cũng bị thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm…
Biếng ăn sau dùng thuốc (kháng sinh, vitamin D…)
Cách chế biến chưa phù hợp:
Cách chế biến không phù hợp với độ tuổi, khẩu vị của từng trẻ, không đa dạng, đổi món, làm trẻ không hứng thú với chuyện ăn uống.
Thiếu hiểu biết của bố mẹ về nhu cầu dinh dưỡng và tăng trưởng của trẻ:
“Có hai thái cực thường gặp. Một mặt, do thiếu quan tâm và hiểu biết dẫn đến trẻ chậm tăng trưởng từ lâu cha mẹ không phát hiện thấy. Ngược lại, trẻ đang phát triển trong giới hạn bình thường nhưng một số gia đình vẫn tìm cách gò ép con ăn nhiều hơn để cao lớn như các bạn”, TS Hạnh chia sẻ.
Vị chuyên gia cho biết tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến trạng thái dinh dưỡng cũng như sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Cụ thể, biếng ăn sẽ khiến trẻ chậm tăng cân. Lúc này, nếu không can thiệp kịp thời, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ mức độ nhẹ đến nặng. Đồng thời, sức đề kháng ở trẻ giảm cũng khiến các bé dễ mắc bệnh, khi đó trẻ càng biếng ăn hơn, tâm lý ngày càng bị ảnh hưởng.
Tại nhiều gia đình, tình trạng biếng ăn của trẻ gây tâm lý căng thẳng cho các thành viên trong nhà. Bữa ăn của trẻ có thể kéo dài tới 2-3 giờ, làm cuộc sống của người lớn trong gia đình trở nên bận rộn hơn, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.
TS Hạnh nhận định: “Để cùng trẻ vượt qua thời kỳ ‘khủng hoảng’ này, bố mẹ cần xác định nguyên nhân gây biếng ăn và loại bỏ tận gốc các yếu tố ảnh hưởng để có giải pháp khắc phục hiệu quả”.
Liệu pháp dinh dưỡng và nguyên tắc cho trẻ biếng ăn
Đối với trẻ còn nhỏ, đang bú mẹ trong 6 tháng đầu, TS Nguyễn Thị Lương Hạnh khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ bú theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm.
“Một vấn đề quan trọng là mẹ cần chú ý tư thế đúng khi cho trẻ bú, để trẻ dễ dàng bú và bú được lượng sữa tối đa. Ngoài ra, cần cho trẻ bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ bú được cả sữa đầu và sữa cuối. Đây cũng là phần sữa giàu chất béo, giúp trẻ tăng cân”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Mặt khác, nếu trẻ không chịu ngậm vú do mắc các bệnh lý như nấm miệng, viêm miệng… người mẹ cần vắt sữa rồi dùng thìa cho trẻ ăn thêm.
Ngoài ra, phụ huynh cần hiểu để nhận biết những dấu hiệu trẻ muốn bú mẹ như trẻ khóc, nằm không yên tìm ti mẹ, mở miệng và quay đầu sang hai bên, mút tay nhiều hơn…
Trong khi đó, đối với trẻ ăn bổ sung (ăn dặm), TS Hạnh khuyến cáo:
Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ. Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ dùng những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích thú để khuyến khích ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn.
Chú trọng bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp tăng trưởng như những thực phẩm giàu chất đạm gồm sữa mẹ, sữa bột công thức, trứng, thịt, cá…
Bổ sung dầu ăn, mỡ vào bát bột, cháo của trẻ nhằm tăng năng lượng trong khẩu phần của trẻ. Ngoài ra, việc này còn giúp tăng khẩu vị cho trẻ.
Chú ý cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ các vitamin cũng như yếu tố vi lượng.
Cho trẻ ăn nhuyễn quá lâu: Trên thực tế, nhiều bà mẹ có tâm lý sợ con trớ, hóc nên cho trẻ ăn nhuyễn quá lâu. Điều này khiến trẻ không biết nhai và thường nuốt chửng khi ăn. Do đó, tùy khả năng của từng trẻ, gia đình nên tập cho trẻ nhai bằng cách tăng dần độ thô của thức ăn như tập cho trẻ ăn cháo hạt khi 10-12 tháng, tập cho trẻ ăn cơm khi 18-24 tháng.
Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, điều quan trọng nhất là bổ sung nước, điện giải trong trường hợp mất nước. Theo TS Hạnh, dù trẻ bị tiêu chảy, quá trình hấp thu thức ăn giảm, các bé vẫn có thể hấp thu qua ruột được khoảng 60%. Do vậy, chúng ta vẫn phải cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nhịn ăn, kiêng khem.
Cho trẻ ăn đúng giờ, đúng bữa. Không nên vừa ăn vừa chơi.
Không nên cho trẻ ăn vặt, đặc biệt là bánh, kẹo ngọt trước bữa ăn vì sẽ làm cho trẻ không có cảm giác đói và từ chối ăn khi đến bữa chính.
Khuyến khích trẻ vận động thể lực 30 phút mỗi ngày: giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, giúp trẻ nhanh đói và ăn ngon miệng hơn.
Với các trường hợp trẻ biếng ăn do tâm lý, nguyên nhân chủ yếu là môi trường sống như thay đổi môi trường sống đột ngột (thay đổi người chăm sóc, cách cho ăn, chuyển nhà, chuyển trường…) hoặc những trải nghiệm gây khó chịu như bị sặc thức ăn, bố mẹ ép ăn, dọa mắng…
TS Hạnh nhận định tình trạng trẻ biếng ăn do tâm lý thường khó khắc phục. Do đó, ngoài việc áp dụng các giải pháp trị biếng ăn, phụ huynh cần nỗ lực và kiên nhẫn đồng hành cùng trẻ.
Ngoài ra, cần tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn, tránh làm cho trẻ khó chịu hoặc dọa làm trẻ sợ khi ăn.
Đối với trẻ biếng ăn do bệnh lý, TS Hạnh lưu ý cha mẹ khi thấy bé ngại nhai nuốt cần kiểm tra xem con có biểu hiện của viêm amidan, viêm nướu, lở miệng, mọc răng hay nấm lưỡi… không.
“Khi bị bệnh, trẻ thường không có hứng thú với việc ăn uống. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa… đồng thời chia thành nhiều bữa nhỏ và theo dõi xem tình trạng biếng ăn của trẻ có cải thiện hay không”, vị chuyên gia khuyên.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý việc cơ thể trẻ bị thiếu hụt các vi chất quan trọng như kẽm, sắt, lysine… cũng là nguyên nhân gây biếng ăn. Do vậy, chúng ta nên cho trẻ ăn bổ sung các thức ăn, thực phẩm giàu thành phần vi chất trên hoặc sử dụng bổ sung những sản phẩm có chứa kẽm, sắt, lysine, các loại vitamin B…