Hầu hết người bệnh cúm hồi phục sau vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể gây nhiều biến chứng như hen suyễn, co giật do sốt, viêm phổi.
Cúm là bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp do virus cúm gây ra nhiễm trùng mũi, họng và phổi. Mọi người có xu hướng mắc cúm thường xuyên nhất vào mùa thu và mùa đông. Nó phát triển nhanh và mạnh, lây lan qua đường hô hấp trên và đôi khi xâm nhập vào phổi của người bệnh.
Các triệu chứng cúm phổ biến là sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, ho, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, tiêu chảy, nôn mửa (phổ biến ở trẻ em hơn).
Người có nguy cơ gặp biến chứng do cúm
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục sau vài ngày đến chưa đầy 2 tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng do cúm, một số biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong.
Trong đó, những người trên 65 tuổi chiếm phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến cúm. Điều này là do khi tuổi tác ngày càng cao, cơ thể trở nên kém khỏe mạnh hơn và hệ thống miễn dịch kém hiệu quả trong việc phản ứng nhanh với các bệnh nhiễm trùng mới.
Theo Abc News, trẻ nhỏ cũng là trường hợp dễ bị biến chứng cúm. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có nhiều khả năng phải nhập viện khi bị cúm và phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người lớn. Điều này là do hệ thống miễn dịch của họ chưa học cách nhận biết và vô hiệu hóa virus.
Ngoài người già và trẻ sơ sinh, những người mắc bệnh mạn tính cũng có nguy cơ gặp biến chứng, bao gồm bệnh tim, bệnh thận, tiểu đường, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra phụ nữ mang thai và em bé của họ có nhiều khả năng gặp các biến chứng nếu người mẹ mắc bệnh cúm. Cùng với nhu cầu gia tăng đối với cơ thể khi mang thai, tình trạng này cũng có nghĩa là bệnh có thể kéo dài hơn gấp 3 lần so với bình thường. Vì vậy, phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên tiêm vaccine cúm và có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.
Biến chứng điển hình
Theo tạp chí Self, tùy thuộc vào cách cơ thể xử lý virus, cũng như tiền sử sức khỏe cá nhân, bạn cũng có thể bị biến chứng của bệnh cúm. Tiến sĩ Darvin Smith, Giám đốc bệnh truyền nhiễm và y học địa lý tại Kaiser Permanente ở Bắc California (Mỹ), cho biết: "Biến chứng xảy ra là khi một tình trạng hoặc bệnh khác biểu hiện do cơ thể của người đó không ở trạng thái tối ưu".
Nói cách khác, khi cơ thể bạn quá bận rộn để chống lại bệnh cúm, nó sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn. Tiến sĩ Smith cho biết thêm bệnh cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những tình trạng cơ bản mà bạn đã mắc phải. Dưới đây là các biến chứng cúm phổ biến cần lưu ý:
Hen suyễn: Tình trạng này có thể trở nên (tạm thời) tồi tệ hơn. Nếu việc thở vẫn khó khăn mặc dù đã tăng cường sử dụng ống hít, hãy đến gặp bác sĩ.
Viêm thanh - khí - phế quản (Croup): Tình trạng này, được đặc trưng bởi tiếng ho như "sủa", xảy ra ở trẻ em và có thể do nhiễm cúm.
Co giật do sốt: Trong bất kỳ bệnh nào liên quan đến sốt, trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi đôi khi có thể bị co giật. Điều này không giống chứng động kinh và sẽ tự khỏi sau khi hết bệnh.
Nhiễm trùng thứ phát: Mắc cúm có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng thứ phát với vi khuẩn. Điều này có thể xảy ra ở phổi (gây viêm phổi), tai giữa (nhiễm trùng tai giữa) và xoang (viêm xoang). Những bệnh này có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Viêm phổi do virus: Điều này xảy ra khi bản thân virus gây tổn thương mô phổi, dẫn đến tình trạng khó thở ngày càng trầm trọng, ho khan. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị lú lẫn và da đổi màu xanh do nồng độ oxy trong máu thấp. Viêm phổi do virus ít phổ biến hơn so với vi khuẩn nhưng rất nghiêm trọng. Bệnh nhân thường cần được đặt máy thở và tình trạng này thường gây tử vong.
Hội chứng Reye: Tình trạng đôi khi gây tử vong này xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi và do nhiễm virus cúm B hoặc virus gây bệnh thủy đậu. Nó dẫn đến sưng não và tích tụ chất béo bất thường trong gan. Nó cũng gây buồn ngủ, hoạt động kém hoặc hành vi phi lý. Thuốc có chứa aspirin không nên dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi mắc cúm vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng Reye.
Viêm cơ hoặc tim (viêm cơ tim): Điều này đôi khi có thể xảy ra sau khi bị nhiễm cúm, đặc biệt là ở trẻ em. Khi bị viêm cơ, các cơ trở nên mềm, đáng chú ý nhất là ở chân. Nếu viêm tim xảy ra, người bệnh có biểu hiện đánh trống ngực, khó thở, tức ngực và mạch đập nhanh.
Các vấn đề về thần kinh: Một số vấn đề về hệ thần kinh có thể xảy ra, dù rất hiếm, khi nhiễm cúm, bao gồm viêm não do virus và hậu virus (viêm trong não) và tình trạng gây yếu cơ được gọi là Hội chứng Guillain-Barre.
Suy thận: Mất nước do uống không đủ chất lỏng có thể đủ để gây ra suy thận ở một số người, đặc biệt nếu họ đã mắc bệnh thận từ trước. Tuy nhiên, điều này thường có thể ngăn ngừa và điều trị bằng cách bù nước.