Thời tiết lạnh có thể làm khởi phát hoặc làm tăng mức độ đau khớp trong cơ thể, nhất là những người cao tuổi.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về mối liên hệ giữa việc đau xương khớp và thời tiết. Có một số giả định được đưa ra, chẳng hạn: Vào mùa lạnh, sự thay đổi về áp suất khí quyển khiến cho gân, cơ và các mô sẹo của bạn giãn ra và co lại, điều đó có thể gây đau ở các khớp. Nhiệt độ thấp cũng có thể làm cho chất lỏng bên trong khớp dày hơn, máu lưu thông kém nên cảm giác cứng khớp hơn.
Ngoài ra, cơ thể lười vận động cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp vào mùa lạnh.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác giải thích cho việc tại sao thời tiết lạnh lại gây đau khớp thì chưa chắc chắn. Dù vậy, thay đổi thời tiết, nhiệt độ thấp đều được nhìn thấy có ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
1. 4 khớp thường đau vào mùa lạnh
- Đau khớp gối
Đau khớp gối là tình trạng phổ biến nhất khi bước vào mùa đông hoặc thay đổi thời tiết, đặc biệt ở người cao tuổi.
Các triệu chứng khi bị đau khớp gối như: đỏ và ấm khi chạm vào, sưng và cứng, có tiếng lạo xạo khi di chuyển hoặc hoạt động, khó duỗi thẳng chân.
Thông thường tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng nếu đầu gối sưng to, đau nhiều, đỏ, khó di chuyển nên đến bệnh viện để được thăm khám.
- Đau khớp háng (hông)
Khớp háng (hông) là điểm liên kết giữa chi dưới và khung xương trục, giúp truyền tải lực từ khung xương trục đến các chi. Khớp háng cũng là khớp dễ bị tổn thương khi nhiệt độ xuống thấp.
Nếu các bạn bị đau hông, háng hoặc mông trên 1 ngày mà không thuyên giảm, khó đi lại thì nên đến bệnh viện kiểm tra.
- Đau khớp bàn chân
Bàn chân là vị trí chịu trọng lực của toàn bộ cơ thể nên dễ bị tổn thương và thường bị đau nhức. Các triệu chứng điển hình như đau khi đi lại, cảm giác nhức trong bàn chân.
- Đau cột sống thắt lưng
Cột sống thắt lưng có nhiệm vụ nâng đỡ trọng lực phần trên của cơ thể. Cột sống lưng là bộ phận dễ bị đau nhức, ngoài yếu tố thời tiết, việc ngồi không đúng cách, thoái hoá cột sống, gai cột sống… gây ra tình trạng này.
Khi bị đau cột sống thắt lưng, người bệnh cảm thấy đau lưng, lan dọc theo cột sống, đau xuống vùng hông, vùng chậu, 2 chân tê bì.
Nhìn chung, các khớp trên đều có một điểm chung là chịu trọng lực lớn từ cơ thể, biên độ vận động tương đối rộng. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến 4 khớp trên dễ bị đau và tổn thương hơn.
2. Cách đối phó với tình trạng đau khớp vào mùa lạnh
Để làm giảm triệu chứng đau khớp vào mùa lạnh và không ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt, các bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Giữ ấm cơ thể: Khi nền nhiệt giảm sâu, hãy cố gắng mặc ấm, đặc biệt nên đeo tất, gang tay để phòng ngừa tình trạng đau khớp tay, chân.
- Bổ sung đủ nước: Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Physiology tháng 9 năm 2015, cơ thể thiếu nước cũng sẽ làm bạn nhạy cảm hơn với các cơn đau.
- Giảm cân: Béo phì sẽ khiến các khớp chịu áp lực và trọng lượng lớn. Điều này dễ gây ra tình trạng đau xương khớp.
Để giảm cân khoa học, bạn phải kết hợp chế độ ăn uống phù hợp với lối sống khoa học, thể dục thể thao thường xuyên.
- Vận động thường xuyên: Vào mùa lạnh, mọi người thường lười vận động, ngồi hoặc nằm quá nhiều. Xương khớp không hoạt động thường xuyên dễ bị cứng và đau hơn.
Một buổi tập luyện đều đặn trong 30 phút có thể giúp bôi trơn các khớp và kích thích tuần hoàn máu trong cơ thể. Có thể nói, duy trì hoạt động là chìa khóa để tăng cường cơ bắp hỗ trợ khớp, từ đó giúp cải thiện chức năng khớp.
Một số bài tập phù hợp cho người bị đau xương khớp như yoga, chạy bộ, bơi lội, đạp xe...
- Bổ sung vitamin D: Những người thiếu vitamin D có nhiều khả năng bị đau nhức xương khớp, loãng xương. Vì vậy, bổ sung vitamin D ở những người thường bị đau nhức xương khớp là điều cần thiết.
Thực phẩm giàu vitamin D các bạn có thể bổ sung như trứng, hàu, tôm, nấm, cá… Nếu thời tiết có nắng, hãy cố gắng tắm nắng từ 10 đến 15 phút/ngày, nên tắm nắng từ 7-9h sáng.
- Thoa tinh dầu: Nếu các cơn đau nhức xương khớp tấn công, các bạn có thể thoa một số loại tinh dầu như dầu tràm, long lão, tinh dầu quế… để hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Khi thoa tinh dầu, mọi người nên massage nhẹ nhàng khu vực tổn thương khoảng 5 đến 10 phút để tăng hiệu quả.
- Bổ sung Omega-3: Axit béo omega-3 có tác dụng giảm mức độ viêm nên rất tốt cho người bị đau xương khớp, nhất là tình trạng viêm khớp. Một số thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, óc chó, hàu, sữa, ngũ cốc…
Đau nhức xương khớp là tình trạng nhiều người gặp phải vào mùa đông. Đa phần các trường hợp sẽ thuyên giảm sau khi áp dụng một số biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau các khớp ngày càng trầm trọng thì mọi người nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Một số tình trạng xương khớp nghiêm trọng có thể xảy ra như viêm khớp, thoái hoá khớp hoặc chấn thương nghiêm trọng.