Xét nghiệm máu có tầm soát được ung thư hay không?
09:43 13/12/2022
Xét nghiệm máu có phải là cách tầm soát hiệu quả một số loại ung thư phổ biến như ung thư đại tràng, dạ dày, cổ tử cung... hay không? (Chị Lê Thị Giang, TP.HCM)
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), xét nghiệm máu có tầm soát được ung thư hay không là băn khoăn của nhiều người bệnh.
Bác sĩ Vũ cho hay, hiện nay có nhiều gói tầm soát ung thư của các cơ sở y tế, phòng khám giới thiệu đến khách hàng. Việc tầm soát nhằm phát hiện sớm khi khối ung thư mới hình thành, chưa có triệu chứng, có thể can thiệp hiệu quả để ngăn cản khối ung thư lan tràn.
Việc xét nghiệm máu nhằm tìm kiếm các dấu vết ung thư lưu hành trong máu, ví dụ như chất liệu protein hay DNA từ khối u, các chất do khối u tiết ra, các chất từ phản ứng của cơ thể với khối u...
Đối với bệnh nhân ung thư đang điều trị, theo dõi liên tục một số chất chỉ dấu ung thư trong máu có thể giúp đánh giá được mức độ đáp ứng điều trị hoặc báo hiệu bệnh tái phát. Ví dụ, chất CEA trong ung thư đại tràng, hay CA 125 trong ung thư buồng trứng… Tuy nhiên, bác sĩ phải phối hợp thêm với khám lâm sàng hay các xét nghiệm hư siêu âm, MRI, CT, sinh thiết... cho người bệnh để đánh giá chính xác.
Đối với người bình thường, việc xét nghiệm máu để tầm soát ung thư chưa có hiệu quả. Bác sĩ Vũ lấy ví dụ về chỉ số CEA trong máu. Chỉ số này tăng cao khi người bệnh bị ung thư đại tràng nhưng cũng tăng cao ở người bệnh ung thư phổi, ung thư dạ dày, viêm phổi, viêm ruột... Một số ca ung thư đại tràng lại không thấy tăng chỉ số này. Như vậy, chỉ số CEA có thể trùng lặp ở các bệnh lý ác tính hoặc lành tính.
“Các quảng cáo xét nghiệm máu để tầm soát ung thư hiện nay chưa có bằng chứng khoa học. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe nói về một phương pháp tầm soát ung thư mới ở quốc gia nào đó nhưng đó mới là nghiên cứu, chưa được công nhận và áp dụng rộng rãi", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tầm soát ung thư còn tùy theo đặc điểm bệnh tật của từng quốc gia. Ví dụ, ung thư tiền liệt tuyến được xem là ung thư thường gặp nhất ở châu Âu và Mỹ, nhưng đứng thứ 5 ở Việt Nam. Khi đó, nếu lấy chương trình tầm soát ung thư tiền liệt tuyến ở nước ngoài về Việt Nam áp dụng sẽ khó có hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi xác định mắc ung thư, người bệnh vẫn có thể sống hòa bình nếu đó là loại ung thư diễn tiến chậm như ung thư tuyến giáp, tuyến tiền liệt… Bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp can thiệp phù hợp nhất mà không cần "quá mạnh tay" với từng trường hợp.
Theo bác sĩ Vũ, mỗi người nên có thói quen ăn uống lành mạnh, sinh hoạt phù hợp để phòng bệnh, chú ý những dấu hiệu bất thường của cơ thể như ho khàn tiếng kéo dài, phân có đàm máu… để kịp thời thăm khám. Đồng thời, cần chủ động bảo vệ bản thân bằng khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh nếu có, hoặc tiêm vắc xin viêm gan B (giảm nguy cơ ung thư gan), vắc xin HPV (giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung)...