Bí quyết ăn uống giúp người cao tuổi bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh
19:58 12/12/2022
Sự lão hóa khiến cho cơ thể người cao tuổi kém chịu đựng và tăng nhiều nguy cơ về sức khoẻ trong mùa lạnh. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo bên cạnh việc chủ động giữ ấm, người cao tuổi cần chú ý tăng cường dinh dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nhiễm bệnh.
1. Thời tiết lạnh khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh
Đối với người cao tuổi, thời tiết chuyển lạnh đột ngột sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hô hấp, tim mạch…
Ở người cao tuổi, khối cơ giảm xuống dần theo tuổi. Lượng cơ giảm có nghĩa là tấm áo che phủ cơ thể bị mỏng đi và những cơ quan quan trọng như tim, phổi, gan, thận… sẽ kém được bảo vệ, các mạch máu lớn sẽ tiếp xúc nhiều với không khí lạnh và nhiệt độ sẽ bị mất làm cho thân nhiệt bị giảm.
Lớp mỡ dưới da giảm nhiều do ăn uống kém không bù đủ lượng tiêu hao. Hệ thống mạch máu bị giảm cả về số lượng và chất lượng. Tim cũng hoạt động yếu hơn, hệ nội tiết bị lão hóa khiến khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể không được đáp ứng.
Hệ hô hấp kém được bảo vệ do không khí lạnh và khô đi từ ngoài vào không được sưởi ấm và làm ẩm đầy đủ nên người cao tuổi dễ bị viêm phổi. Người cao tuổi cũng hay bị nhiễm vi khuẩn, virus do hệ miễn dịch bị suy giảm…
2. Ăn uống đủ chất giúp người cao tuổi phòng nhiễm bệnh
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, để bảo vệ sức khoẻ trong mùa lạnh, bên cạnh việc giữ ấm đúng cách khi đi ra ngoài, khi tập thể dục, người cao tuổi cần tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể sinh năng lượng chống rét, nâng cao sức đề kháng, giúp phòng ngừa nhiễm bệnh.
Chế độ ăn cho người cao tuổi cần đầy đủ các chất dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn cần cân đối 4 nhóm thực phẩm là: nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...); nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Nên ưu tiên thực phẩm giàu đạm dễ tiêu hóa, ít chất béo như: cá, thịt gà, tôm, trứng, sữa… Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng (từ 1-2 ly mỗi ngày).
Tăng cường nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hoá từ rau xanh và trái cây tươi giúp hỗ trợ tiêu hoá và hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Cần lưu ý uống đủ nước: Người cao tuổi ít có cảm giác khát nước so với người trẻ do suy giảm hệ thống nhận thức và mắc các bệnh lý kèm theo khác nên cần chú ý uống đủ nước, không đợi tới lúc khát mới uống.
Ngoài nước lọc, có thể uống các loại nước trái cây, sữa… Tuy nhiên cần tránh các đồ uống có chất kích thích như cà phê, bia, rượu… Nên uống nước ấm, uống từ từ từng ngụm nhỏ. Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
3. Lưu ý trong ăn uống giúp bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi trong mùa lạnh
Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hoá, Học viện Quân y, vào mùa lạnh người cao tuổi có thể ăn nhiều hơn mùa nóng do cơ thể phải tiêu tốn calo nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Ngoài ra, người cao tuổi và người chăm sóc người cao tuổi nên chú ý các cách chế biến và cách ăn uống giúp bảo vệ sức khỏe như sau:
Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như: súp, cháo thịt, các món hầm…
Nên chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên ăn dồn ép vào 2-3 bữa trong ngày sẽ khó ăn, khó nuốt, khó tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng.
Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calo và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả.
Tránh ăn quá no, uống quá nhiều nước vào bữa tối vì có thể gây khó chịu, mất ngủ do đầy bụng, khó tiêu, do đi tiểu nhiều.
Tuyệt đối không dùng cách uống rượu với mục đích làm ấm cơ thể vì rượu gây giãn mạch, khi ra ngoài lạnh rất nguy hiểm.