Thursday, 21/11/2024

Hiểm họa từ bệnh viêm họng liên cầu khuẩn

09:26 13/12/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Viêm họng liên cầu khuẩn là loại bệnh có tính truyền nhiễm cao, dễ tái mắc, đôi khi có thể chuyển nặng và gây tử vong.

Nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại viêm họng phát triển, đặc biệt là viêm họng liên cầu khuẩn - một dạng bệnh nhẹ nhưng có thể gây đau đớn, đôi khi dẫn đến tử vong. Đầu tháng 12, Anh báo cáo 15 ca tử vong ở trẻ em do bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn hiếm gặp.

Viêm họng liên cầu khuẩn là một dạng nhiễm trùng ở cổ họng và amidan, do liên cầu khuẩn Streptococcus A gây ra. Trên bề mặt vi khuẩn này có một loại carbohydrate, giúp các nhà khoa học phân biệt chúng với liên cầu khuẩn nhóm B (vi khuẩn nhóm B không phải nguyên nhân phổ biến gây viêm họng do liên cầu).

Viêm họng liên cầu khuẩn là một dạng nhiễm trùng có tính lây nhiễm cao, truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn hô hấp. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể lây lan qua thực phẩm xử lý không đúng cách.

Người bệnh bị viêm họng do hít phải những giọt hô hấp có chứa vi khuẩn; chạm vào bề mặt vi khuẩn đang sinh sống, sau đó đưa tay lên mũi hoặc miệng; ăn chung thức ăn, đồ uống với người đã mắc bệnh; chạm vào vết loét trên da của người bệnh.

Thời gian ủ bệnh viêm họng liên cầu khuẩn là từ hai đến 5 ngày.

Theo tiến sĩ Kristin Moffitt, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Boston, các triệu chứng đầu tiên thường là sốt, rát họng và đau họng khi nuốt nước bọt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo các biểu hiện phổ biến gồm sưng đỏ amidan, đôi khi có đốm trắng và mủ; xuất hiện đốm xuất huyết trên vòm miệng; sưng hạch bạch huyết trên cổ. Nhiễm trùng liên cầu khuẩn cũng có thể gây buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày và đau đầu, đặc biệt là ở trẻ em.

Nhiễm Streptococcus nhóm A đôi khi tạo ra độc tố gây phát ban, đỏ da với cảm giác thô ráp khi chạm vào. Phát ban có khả năng xuất hiện ở cổ, nách và háng, CDC báo cáo. Theo thời gian, bệnh có thể lây lan ra phần còn lại của cơ thể.

Hiện chưa có vaccine ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn. Các lần nhiễm bệnh trước đó cũng không tạo miễn dịch trong tương lai. Vì vậy, một người có thể bị viêm họng liên cầu khuẩn nhiều lần.

Minh họa một người phụ nữ bị đau họng. Ảnh: SCMP

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tái nhiễm là vệ sinh thật tốt. Đối với trẻ nhỏ, nếu viêm họng liên tục tái phát, một số bác sĩ khuyến nghị cắt amidan. Tuy nhiên, thủ thuật này được chỉ định cho những trẻ mắc bệnh từ 7 tuổi trở lên.

Theo báo cáo của Mayo Clinic, sau khi dùng kháng sinh, các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn sẽ cải thiện trong vòng 48 giờ. Tiến sĩ Moffitt cho biết bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần dùng kháng sinh.

"Thuốc kháng sinh làm giảm thời gian kéo dài triệu chứng và khoảng thời gian bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác", ông cho biết.

Thuốc kháng sinh cũng làm giảm nguy cơ biến chứng như áp xe cổ họng hoặc sốt thấp khớp, dù hiếm gặp nhưng có thể trở nặng và gây nhiễm trùng tim. Mayo Clinic khuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin hoặc ibuprofen để giảm triệu chứng. Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, bù nước, súc miệng bằng nước muối ấm, thức ăn nhẹ và sử dụng máy tạo độ ẩm.

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm họng liên cầu khuẩn là rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi hắt hơi hoặc ho và trước khi ăn, tránh ở gần người có triệu chứng, tránh dùng chung đồ, ăn uống chung.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/hiem-hoa-tu-benh-viem-hong-lien-cau-khuan-4547116.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke