Mặc dù mè rang có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày chỉ nên ăn 15-20g.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, bác sỹ Nguyễn Hoài Thu (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), xốt mè rang là loại nước xốt quen thuộc với nhiều người. Thành phần trong xốt mè rang thường bao gồm: Dầu đậu nành, nước tương, giấm, mè, dầu mè, lòng đỏ trứng gà, chiết xuất mù tạt...
Các thành phần này nếu xét riêng lẻ đều tốt cho sức khỏe. Dầu mè hay dầu đậu nành đều chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất béo no không bão hoà, omega 3, omega 6, canxi... Tuy nhiên, hàm lượng chất và tác dụng trong một sản phẩm kết hợp nhiều nguyên liệu, qua nhiều khâu chế biến đôi khi không bảo toàn được các chất dinh dưỡng này.
Nhiều người ăn kiêng giảm béo thường dùng xốt mè rang để trộn rau, trộn salad, ăn hàng ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, trong thành phần của xốt mè rang có hàm lượng chất béo nhất định đến từ thành phần như dầu mè, dầu đậu nành, mè. Ví dụ, trong 10g xốt dầu mè cung cấp 38,7 Kcal, trong đó có 3,6g chất béo và 0,3g chất đạm. Việc ăn xốt mè rang có thể gây béo cho cơ thể còn tùy thuộc vào lượng ăn trong mỗi bữa cũng như sự kết hợp với các loại thức ăn.
Cũng như nhiều thực phẩm được cho là có tác dụng giảm cân khác, thì bất kể thực phẩm nào ăn quá nhiều cũng không tốt. "Bạn nên nhớ rằng đây là một gia vị để thêm vào món ăn, giúp tăng hương vị.
Tuy nhiên, không như các gia vị khác như nước mắm, hạt nêm, muối, tiêu, các loại nước xốt, trong đó có xốt mè rang lại sinh năng lượng, phần lớn đến từ chất béo. Mỗi bữa, bạn không nên ăn quá 2 thìa canh nước xốt mè", bác sĩ Nguyễn Hoài Thu khuyến cáo.
Để sử dụng xốt mè rang đúng cách, bác sĩ Hoài Thu cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể. Mặc dù mè rang có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày chỉ nên ăn 15-20g.
Bên cạnh đó, cách chế biến cũng cần khoa học để đảm bảo hàm lượng dưỡng chất cũng như có tác động tốt đến sức khỏe. Nên rang mè chín để có mùi thơm ngon, dễ tiêu hoá và đảm bảo vệ sinh. Nên ăn chung với cơm để đạt độ dinh dưỡng cao. Ngoài ra có thể kết hợp mè rang rắc trực tiếp lên các món ăn như chè, bánh. Với nguyên liệu là xốt mè rang có thể dùng để trộn salad hoặc trộn các món mì. Thay vì mua xốt mè rang ngoài cửa hàng, bạn có thể tự chế biến tại nhà, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Hoài Thu cũng khuyến cáo, một số đối tượng không nên sử dụng mè như: Người có huyết áp thấp, người có đường tiêu hóa kém, bụng yếu, người có đông máu cao, huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch, bệnh sỏi thận, người đang trong thời gian điều trị với glycosid tim, người đang trong thời kỳ kinh nguyệt và phụ nữ có thai ở giai đoạn 3 tháng đầu.