Từ 18-39 tuổi, mỗi người nên kiểm tra huyết áp hàng năm, vận động 30-60 phút mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường, cholesterol cao.
Bệnh lý nhồi máu cơ tim xuất hiện khi có cục máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành - động mạch cung cấp máu, nuôi dưỡng tế bào cơ tim. Khi động mạch vành bị tắc sẽ ngăn cản dòng máu đến cơ tim, từ đó phá hủy hoặc làm chết một phần cơ tim tương ứng. Có nhiều lý do khác nhau có thể dẫn đến các trường hợp đau tim ở mỗi người. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân do lối sống, thói quen không tốt, có thể thay đổi để phòng nhồi máu cơ tim.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá thường xuyên có thể gây phá hủy mạch máu trầm trọng. Người thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hình thành các mảng xơ vữa động mạch, cản trở việc cung cấp máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Động mạch chủ bị hẹp do mảng xơ vữa sẽ tạo thành những chỗ phình to (túi phình), song song đó động mạch trở nên yếu dần, có thể bị vỡ, đe dọa đến tính mạng.
Người hút thuốc lá có thể gặp những cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với người không hút thuốc. Để phòng bệnh, tốt nhất là bỏ thuốc lá và người cũng nên tránh khói thuốc thụ động.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, mức cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường. Vì vậy, các chuyên gia khuyên, một người nên có 150 phút tập thể dục trong một tuần. Nếu không có thời gian tập thể dục, mỗi người có thể tham gia vào công việc dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, leo cầu thang, đi bộ...
Chế độ ăn lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh là tiêu thụ nhiều rau và trái cây. Nên ưu tiên ăn thịt nạc như cá và thịt gà, tránh thịt đỏ, tránh nhiều muối hoặc đường, giảm carbohydrate chế biến hoặc rượu. Bên cạnh đó, việc duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng quan trọng. Mỗi người nên giữ chỉ số BMI của dưới 25, điều này có thể ngăn ngừa nguy cơ huyết áp cao hoặc tiểu đường...
Có giấc ngủ chất lượng
Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, lịch trình công việc dày đặc có thể khiến nhiều người không có giấc ngủ chất lượng. Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi ngày. Ngững người có giấc ngủ ít có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, trầm cảm và đau tim.
Kiểm soát căng thẳng
Kiểm soát căng thẳng rất quan trọng, góp phần ngăn ngừa những thói quen không lành mạnh như ăn uống quá độ, uống rượu, hút thuốc. Để giúp tinh thần thư giãn, mỗi người nên tham gia thiền, hoạt động thể chất. Đồng thời, nên duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Kiểm tra huyết áp
Những người huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Huyết áp cao thường không có triệu chứng nên cần được kiểm tra định kỳ để theo dõi, có biện pháp kiểm soát hợp lý. Việc theo dõi huyết áp nên bắt đầu ngay từ khi 18 tuổi, có thể đo 2 năm một lần. Từ 18-39 tuổi, mỗi người nên kiểm tra huyết áp hàng năm. Bên cạnh đó, theo dõi cholesterol cũng quan trọng, đặc biệt ở những người có cha mẹ, anh chị em bị đau tim khi còn trẻ.
Kiểm tra đường huyết
Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, các thành viên nên bắt đầu sàng lọc bệnh này sớm. Khi lượng đường huyết tăng cao sẽ kéo theo rối loạn mỡ máu, rối loạn nội mô, khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng tim, hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.