Súc miệng bằng nước muối, tắm nước ấm, dùng gừng và tỏi…có thể giúp giảm các triệu chứng viêm phế quản cấp tính.
Viêm phế quản cấp tính xảy ra khi đường dẫn khí của phổi bị sưng, gia tăng sản xuất chất nhầy, cản trở không khí di chuyển đến phổi. Các triệu chứng viêm phế quản cấp tính, bao gồm ho dai dẳng, đau ngực, mệt mỏi.
Viêm phế quản cấp tính có thể do virus hoặc vi khuẩn, bệnh xuất hiện nhanh, kéo dài trên một tuần hoặc có thể hơn. Bệnh xảy ra do virus thường không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số biện pháp tự nhiên dưới đây có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi cho người bệnh viêm phế quản cấp tính.
Súc miệng, xịt mũi bằng nước muối: Viêm phế quản cấp tính có thể dẫn đến triệu chứng đau họng. Súc miệng bằng nước muối giúp làm ấm và làm dịu cổ họng.
Nước muối xịt mũi (hoặc thuốc nhỏ mũi) có thể giúp phá vỡ chất nhầy, làm quá trình tống chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn. Xịt nước muối còn hiệu quả trong việc thông mũi, giúp người bệnh giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn.
Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là điều cần thiết để phục hồi khi mắc viêm phế quản cấp tính nói riêng và các vấn đề sức khỏe khác nói chung. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp tính do virus và không đáp ứng điều trị với thuốc kháng sinh. Việc dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, hạn chế nói chuyện có thể giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn.
Hơi nước: Không khí khô, lạnh dễ kích ứng đường hô hấp gây ra ho do viêm phế quản cấp tính. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà sẽ bổ sung thêm độ ẩm cho không khí, giúp làm dịu đường thở, phá vỡ chất nhầy. Bạn cũng có thể cảm thấy dễ thở hơn, không khí về phổi nhiều hơn sau khi tắm nước nóng. Hơi nước làm ẩm không khí giúp thông thoáng đường thở. Hít hơi nước còn có thể làm loãng chất nhầy trong phế quản, giúp chất nhầy dễ dàng thoát ra ngoài khi ho hoặc hắt hơi.
Uống nhiều nước: Uống nhiều nước khá quan trọng trong điều trị viêm phế quản cấp tính. Các loại nước lọc, canh, súp hay nước trái cây có thể giúp làm loãng chất nhầy để dễ tống ra ngoài khi ho. Uống nước canh ấm còn cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Gừng, tỏi: Thêm một ít gừng vào trà, hoặc uống gừng với nước ấm có thể làm dịu cơn ho. Gừng là một chất chống viêm, giảm kích ứng đường thở do viêm phế quản. Nếu không thể uống nước gừng thì có thể cho nó vào thức ăn như một loại gia vị.
Tỏi có đặc tính kháng khuẩn giúp ức chế tác dụng của virus với cơ thể. Tỏi tươi hay tỏi dạng bột đều có thể mang lại tác dụng gần như nhau.
Mật ong: Các nghiên cứu chứng minh ăn mật ong khi bị viêm phế quản có thể giúp giảm ho, cải thiện giấc ngủ. Nó cũng có thể làm dịu cơn đau họng. Một thìa mật ong với nước ấm hoặc pha với trà không chứa caffeine, dùng một ngày 2 lần, có lợi cho quá trình điều trị viêm phế quản cấp tính. Lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.