Người uống quá nhiều đồ chứa caffeine có thể bị chóng mặt, tiêu chảy, đau đầu, thậm chí khó thở, ảo giác…
Caffeine là chất kích thích được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giúp cho bạn tỉnh táo. Một số đồ ăn, thức uống phổ biến như cà phê, trà, soda, chocolate chứa một lượng caffeine đáng kể.
Theo Mayo Clinic, người trưởng thành khỏe mạnh được khuyến nghị không sử dụng quá 400 mg caffeine mỗi ngày. Thanh thiếu niên nên tự giới hạn không tiêu thụ quá 100 mg caffeine mỗi ngày.
Tuy nhiên, ngưỡng caffeine an toàn khác nhau đối với mọi người dựa trên tuổi tác, cân nặng và sức khỏe tổng thể. Để lượng caffeine trong máu của bạn giảm xuống một nửa so với lượng ban đầu cần khoảng 1,5 tới 9,5 giờ.
Nguồn cà phê
Trong 340 g cà phê đen có từ 50 tới 235 mg caffeine. Trong 200 g trà đen có 30 tới 80 mg caffeine. Ngoài ra, trong soda, chocolate cũng có caffeine nhưng lượng thấp hơn.
Tiêu thụ quá liều caffeine sẽ gây ra một số triệu chứng khó chịu và chỉ hết khi lượng chất này được bài tiết khỏi cơ thể. Trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người dùng có thể bị đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Quá liều caffeine xảy ra khi bạn hấp thụ quá nhiều caffeine qua đồ uống, thực phẩm hoặc thuốc. Tuy nhiên, một số người có thể ăn nhiều hơn lượng khuyến nghị hằng ngày mà không gặp vấn đề gì.
Dù vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo không nên lạm dụng vì liều lượng caffeine cao có thể khiến nhịp tim không đều, co giật, mất cân bằng nội tiết tố.
Nếu bạn hiếm khi dùng thực phẩm có chứa caffeine, cơ thể dễ đặc biệt nhạy cảm, vì vậy hãy tránh uống nhiều cùng một lúc.
Triệu chứng
Một số biểu hiện của quá liều cà phê bao gồm chóng mặt, tiêu chảy, ngày càng khát, mất ngủ, đau đầu, sốt, cáu gắt.
Các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn và cần được điều trị ngay lập tức bao gồm khó thở, nôn mửa, ảo giác, hoang mang, đau ngực, nhịp tim không đều, co giật…
Trẻ nhỏ cũng có thể bị quá liều caffeine dù không sử dụng các sản phẩm trên. Điều này có thể xảy ra khi sữa mẹ chứa nhiều caffeine. Một số triệu chứng bao gồm buồn nôn, căng cơ, nôn mửa, thở nhanh, sốc.
Phòng ngừa và điều trị
Để ngăn ngừa quá liều caffeine, mọi người không nên dùng nhiều hơn 400 mg caffeine mỗi ngày, thậm chí ít hơn nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với chất này.
Khi nghi ngờ một người quá liều caffeine, bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, đo thân nhiệt, xét nghiệm nước tiểu, máu.
Hướng điều trị là loại bỏ caffeine ra khỏi cơ thể đồng thời kiểm soát các triệu chứng. Nếu caffeine đã đi vào đường tiêu hóa, người bệnh có thể được cung cấp thuốc nhuận tràng, rửa dạ dày. Bác sĩ sẽ theo dõi tim qua điện tâm đồ, hỗ trợ thở khi cần thiết.
Thông thường việc chữa trị không để lại biến chứng kéo dài. Nhưng tình trạng này có thể gây hậu quả trầm trọng với người có bệnh nền, nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi.