Tiểu đêm là biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn bài tiết ở người cao tuổi, dù không nguy hiểm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tiểu đêm và những nguy cơ tiềm ẩn
Theo số liệu thống kê tại Australia, cứ 4 người sẽ có 1 trường hợp gặp tình trạng tiểu không tự chủ (nam giới 10%, nữ giới 38%). Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi, trong đó độ tuổi cao niên chiếm 10-34%. Những yếu tố thúc đẩy vấn đề này là béo phì, ho mạn tính, trầm cảm, đột quỵ...
Ở Việt Nam, tình trạng tiểu không tự chủ cũng khá phổ biến ở người cao tuổi - điều không tránh khỏi của quá trình lão hóa tự nhiên.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thanh Vy, chuyên khoa Lão, Đại học Y Dược TP.HCM, tiểu đêm là triệu chứng phổ biến thường gặp ở người cao tuổi, họ phải thường tỉnh giấc đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm làm gia tăng nguy cơ té ngã, từ đó kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng như gãy xương, bất động kéo dài, đột quỵ… Ngoài ra tiểu đêm còn khiến người bệnh thức dậy nhiều lần trong đêm gây ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, mất ngủ, thậm chí là rối loạn lo âu, trầm cảm, suy nhược cơ thể… Người bệnh luôn thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, buồn bực, dễ cáu gắt với những người xung quanh. Như vậy, tiểu đêm không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe bản thân bệnh nhân mà còn gây ảnh hưởng đến những người thân chung sống với bệnh nhân.
Thói quen uống nước ít do giảm cảm giác khát ở người cao tuổi gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như ảnh hưởng chức năng thận, sỏi thận và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
“Rất nhiều người cao tuổi cho rằng tiểu đêm là biểu hiện bình thường ở người già nên không than phiền với bác sĩ, điều này vô tình làm chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị kịp thời. Về lâu dài, tiểu đêm không chỉ gây ảnh hưởng thể chất mà còn tác động không tốt đến sức khỏe tinh thần. Do đó, chúng ta không nên xem nhẹ tình trạng này”, BS. Nguyễn Thanh Vy nhấn mạnh.
Các biện pháp cải thiện tình trạng tiểu đêm
ThS. BS Nguyễn Thanh Vy gợi ý ông bà, cha mẹ và người thân một số biện pháp hiệu quả, giảm chứng tiểu đêm, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thường xuyên vận động, thực hiện bài tập kiểm soát rối loạn bài tiết
Không chỉ rèn thể chất, vận động nhiều còn hạn chế việc ngủ ngày ở người cao tuổi, hỗ trợ điều chỉnh đồng hồ sinh học bị thay đổi do chứng tiểu đêm. Gia đình có thể hướng dẫn ông bà, cha mẹ thực hiện bài tập Kegel - do bác sĩ Alfred Kegel đề ra năm 1948 - giúp tăng cường cơ sàn chậu, kiểm soát chứng són tiểu.
Chế độ ăn uống hợp lý
Người bệnh cần nạp đủ 2-3 lít nước mỗi ngày tùy theo nhu cầu, nhưng uống nhiều vào sáng trưa, giảm dần lúc chiều tối, nhất là khoảng hai tiếng trước khi ngủ.
Trong bữa ăn hàng ngày, cần bổ sung rau xanh, hạt ngũ cốc... để tăng chất xơ và các chất chống oxy hóa. Tăng cường thêm sữa chua, các loại quả mọng như mâm xôi, dâu tây, nho... để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Người bệnh nên hạn chế các món quá cay, mặn và nói không với chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, thức uống chứa caffeine...