Cả viêm khớp gối thông thường và viêm khớp gối dạng thấp đều có những biểu hiện như sưng, đau, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, cử động của chân.
Có hai loại viêm khớp gối phổ biến là thoái hóa khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA). Trong đó viêm xương khớp là loại phổ biển nhất, thường xuất hiện vào tuổi trung niên khi sụn khớp gối dần bị mòn. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, liên quan đến các khớp khác và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. V
Viêm khớp gối cũng có thể phát triển sau một chấn thương đầu gối. Viêm khớp gối sau chấn thương có thể do rách sụn chêm, chấn thương dây chằng hoặc gãy xương, nhưng các triệu chứng có thể vài năm sau mới xuất hiện.
Cả OA và RA đều có các triệu chứng, biểu hiện tương tự nhau, tuy nhiên vẫn tồn tại một số điểm khác biệt. Dưới đây là một số triệu chứng của viêm khớp gối cũng như các đặc điểm giúp phân biệt hai loại viêm khớp phổ biến này.
Cơn đau tăng dần
Viêm khớp gối thường bắt đầu một cách từ từ, nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột trong một số trường hợp. Ban đầu, người bệnh thấy đau vào buổi sáng hoặc sau quãng thời gian ít vận động. Đầu gối có thể bị đau khi leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống, đi trên một bề mặt phẳng, hoặc ngồi một lúc lâu. Nếu cơn đau đầu gối gây thức giấc khi đang ngủ, đó có thể là một triệu chứng của thoái hóa khớp.
Với những người bị viêm khớp gối dạng thấp, các triệu chứng thường bắt đầu ở những khớp nhỏ, đối xứng, ảnh hưởng cả hai bên cơ thể. Các khớp có thể trở nên nóng và đỏ ửng.
Với OA, các triệu chứng có thể tiến triển nhanh chóng hoặc diễn tiến tăng dần trong vài năm tùy thuộc thể trạng của từng cá nhân. Các triệu chứng có thể xấu đi đột ngột, sau đó duy trì ổn định trong thời gian dài. Một số yếu tố có thể khiến các triệu chứng nặng hơn như thời tiết lạnh, căng thẳng, hoạt động quá mức.
Với RA, triệu chứng đau thường xuất hiện trong vài tuần, nhưng diễn tiến nặng trong một vài ngày. Các yếu tố khởi phát cơn đau có thể bao gồm những thay đổi về thuốc.
Sưng hoặc viêm
Viêm khớp gối đôi khi có thể gây viêm. Đối với OA, các triệu chứng xuất hiện bao gồm sưng cứng, do sự hình thành các gai xương hoặc sưng mềm vì tình trạng viêm khiến dịch tích tụ xung quanh khớp. Tình trạng sưng dễ nhận thấy hơn sau một khoảng thời gian không hoạt động, ví dụ khi thức dậy vào buổi sáng.
Sưng khớp rất phổ biến ở người mắc viêm khớp gối dạng thấp. Ngoài ra, họ còn có thêm các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, cảm thấy khó chịu. Nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm như mắt, tim và phổi. Nguyên nhân là bởi viêm khớp dạng thấp là chứng bệnh toàn thân, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong khi thoái hóa khớp chỉ tác động trực tiếp đến vùng khớp bị ảnh hưởng.
Khó gập, duỗi chân
Theo thời gian, các tổn thương về khớp gối sẽ khiến cấu trúc đầu gối trở nên mất ổn định, khiến khớp gối bị uốn cong.
Viêm khớp dạng thấp gây ra tổn thương tại các gân nối cơ với xương. Tổn thương này ảnh hưởng đến sự ổn định của đầu gối. Các gai xương cũng có thể phát triển khi sụn bị bào mòn và xương cọ xát vào nhau, tạo nên bề mặt gập ghềnh khiến khớp gối bị dính hoặc mắc vào nhau, dẫn đến tình trạng khó gập gối hoặc duỗi thẳng chân.
Âm thanh lạo xạo
Khi gập hay duỗi thẳng đầu gối, những người bị viêm khớp sẽ cảm thấy có âm thanh lạo xạo, hoặc lục cục. Các triệu chứng này có thể xảy ra khi mất một số sụn vốn giúp khớp vận động trơn tru do tình trạng viêm khớp gây ra.
Khi sụn bị ảnh hưởng, bề mặt xương trở nên thô ráp, gai xương phát triển, cử động khớp khiến những vùng này cọ xát vào nhau và gây ra âm thanh lạo xạo.
Khả năng di chuyển kém
Những thay đổi về xương và sụn xảy ra cùng thoái hóa khớp gối hoặc sau chấn thương đầu gối có thể khiến người bệnh khó cử động trơn tru, đặc biệt là các vận động phải di chuyển đầu gối để bước, đứng lên ngồi xuống.
Những người bị viêm khớp gối dạng thấp sẽ cảm thấy khó gập hoặc duỗi đầu gối khi bước đi do ảnh hưởng của các triệu chứng sưng và đau. Tổn thương khớp cũng ảnh hưởng đến khả năng vận động. Theo thời gian, người bệnh sẽ cần một cây gậy hoặc khung tập đi để giữ thăng bằng và di chuyển.
Dị tật ở đầu gối
Hình dáng của đầu gối có thể thay đổi khi đợt viêm bùng phát hoặc khi các tổn thương khớp tiến triển. Đối với viêm khớp dạng thấp, bên cạnh các biểu hiện sưng đỏ khi bệnh trở nặng, tình trạng viêm dai dẳng có thể dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn ở sụn và gân, điều này ảnh hưởng đến hình dạng của đầu gối.
Còn với OA, các cơ xung quanh gối có thể yếu đi dẫn đến tình trạng trũng xuống, đầu gối bắt đầu có dấu hiệu hướng về nhau hoặc cong ra phía ngoài.