Thực phẩm cải thiện triệu chứng suy giãn tĩnh mạch
17:57 26/11/2022
Người bệnh suy giãn tĩnh mạch cần ăn nhiều chất xơ, sắt, uống đủ nước để tăng lưu thông máu, góp phần cải thiện triệu chứng bệnh.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Hoài, khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, lối sống cũng góp phần khiến bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển. Do đó, việc thiết lập chế độ dinh dưỡng nhằm mục tiêu cải thiện triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển.
Thực đơn lý tưởng cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên bao gồm các loại thực phẩm giúp đẩy lùi quá trình viêm, cải thiện lưu thông máu, giảm phù nề, đồng thời duy trì hiệu quả điều trị giãn tĩnh mạch và phòng ngừa tái phát.
Bác sĩ Hoài cho biết, những người suy giãn tĩnh mạch nên ăn ít tinh bột, chất béo xấu, ít calo; bổ sung nhiều chất xơ, trái cây và rau củ; uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để tránh mất nước và lưu thông máu tốt. Người bệnh có thể bổ sung loại thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày:
Quả bơ
Loại quả này tốt cho hệ tĩnh mạch vì chứa nhiều vitamin C (chất chống viêm), vitamin E (chất làm loãng máu tự nhiên), giúp ngăn ngừa đông máu. Không chỉ vậy, quả bơ còn giàu glutathione, giúp bảo vệ tĩnh mạch chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
Củ cải đường
Củ cải đường chứa betacyanin làm giảm homocysteine (một loại axit amin có khả năng tàn phá các mạch máu), trong khi nitrat giúp giãn mạch để cho nhiều oxy lưu thông hơn, làm giảm huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu một cách tự nhiên.
Quả việt quất và mâm xôi
Đây là các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường sức bền của thành tĩnh mạch và chống viêm. Quả mâm xôi đen còn chứa một loại flavonoid có tên rutin - một chất chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa cục máu đông. Thêm vào đó, hàm lượng anthocyanin cao trong quả việt quất giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của tĩnh mạch bằng cách sửa chữa protein bị hư hỏng trong thành mạch máu.
Hạt chia và hạt lanh
Những loại hạt nhỏ bé này chứa nhiều chất xơ chống táo bón, ngăn ngừa đầy hơi, giảm bớt áp lực ở chi dưới. Bạn thêm một ít hạt chia hoặc hạt lanh vào ly sinh tố/chén bột yến mạch/ly sữa chua... góp phần tăng cường sức khỏe hệ tĩnh mạch.
Gừng
Gừng được xem là một "phương thuốc" tự nhiên cho tĩnh mạch. Gừng có vị cay, tính nóng làm tăng lưu thông máu và giúp phá vỡ fibrin (protein tham gia vào quá trình đông máu) trong mạch máu. Nếu cơ thể không thể phá vỡ fibrin đúng cách, các tĩnh mạch có nguy cơ xơ cứng lại, làm cho triệu chứng giãn tĩnh mạch tiến triển.
Măng tây
Măng tây chứa các loại vitamin A, C, E, K, chất xơ, folate và crom. Các vi chất có tác dụng củng cố mao mạch để ngăn chặn sự co thắt mạch máu, loét tĩnh mạch cũng như sự hình thành cục máu đông.
Gan
Đây là thực phẩm có hàm lượng sắt lớn. Sắt là thành phần cốt lõi đảm bảo chức năng não, quá trình sản xuất hemoglobin trong máu. Khi được cung cấp đủ sắt, cơ thể sẽ kích hoạt các enzym tự nhiên, hình thành axit amin, chất dẫn truyền thần kinh, collagen và hormone. Thiếu sắt gây ra hội chứng "chân không yên", một biến chứng do giãn tĩnh mạch khiến chân, bàn chân đau nhiều, đặc biệt vào cuối ngày hoặc trong lúc ngủ. Ngoài gan, một số thực phẩm khác cũng giàu chất sắt gồm hàu, đậu nành, các loại ngũ cốc...
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, nhiều muối (thịt xông khói, giăm bông, xúc xích, thịt đóng hộp...); hạn chế sử dụng rượu bia, sữa, các chế phẩm từ sữa (bơ, phô mai, váng sữa...)... Các thực phẩm này sẽ góp phần làm tổn thương mạch máu, khiến máu lưu thông kém, gây ra các vấn đề về huyết áp, mất cân bằng nội tiết tố, tăng cân. Ngoài ra, thực phẩm hàm lượng muối cao khiến cơ thể giữ nước, làm cho máu đặc lại, khó bơm đi khắp cơ thể. Ngoài ra, một số loại thịt đóng hộp còn được đựng trong hộp chứa BPA có hại. Chất này có thể ngấm vào thức ăn, thúc đẩy các hormone làm cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng hơn.
Bác sĩ Quốc Hoài nhấn mạnh, cùng với chế độ ăn khoa học, mỗi người cần có lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, không đứng/ngồi một chỗ trong thời gian dài, hạn chế mang giày cao gót... để giảm áp lực cho các tĩnh mạch chi dưới. Khi thấy xuất hiện triệu chứng nặng hai chân, phù chân, đau bắp chân, chuột rút, nổi búi tĩnh mạch dưới da..., bạn cần thăm khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm ở giai đoạn đầu nhẹ nhàng, ít xâm lấn và giảm nguy cơ tái phát cho người bệnh.