Theo nghiên cứu mới, việc ăn nhiều protein có thể giúp cơ thể của bạn giảm nguy cơ béo phì.
Nghiên cứu mới, đã được công bố trên tạp chí Béo phì, liên quan đến việc phân tích dữ liệu từ Khảo sát Hoạt động Thể chất và Dinh dưỡng Quốc gia Mỹ. Khảo sát thói quen ăn uống và thể chất của 9.341 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 46,3 tuổi, các nhà khoa học nhận thấy rằng năng lượng hấp thụ trong chế độ ăn uống của những người tham gia thường bao gồm 30,9% chất béo, 43,5% carbohydrate, 18,4% protein, 4,3% cồn và 2,2% từ chất xơ.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tham gia không ăn nhiều protein trong bữa sáng (hoặc bữa ăn đầu tiên hàng ngày của họ) sẽ ăn nhiều hơn trong thời gian còn lại trong ngày so với những người tham gia ăn nhiều protein trước đó. Ngược lại, những người ăn bữa sáng giàu protein ăn ít hơn trong ngày.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người tham gia không ăn đủ chất đạm vào đầu ngày không chỉ ăn nhiều calo hơn trong ngày mà họ còn ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường và muối; uống nhiều rượu hơn; và ăn những thực phẩm kém lành mạnh hơn như ngũ cốc, rau, các loại đậu, trái cây, sữa và thịt.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một trong những lý do khiến những người tham gia nghiên cứu không tiêu thụ đủ lượng protein có thể là do ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Việc hấp thụ nhiều thực phẩm chế biến chất lượng thấp lấn át việc tiêu thụ các loại thực phẩm protein, trong khi việc tiêu thụ thực phẩm protein mới có thể giúp thúc đẩy cảm giác no và giảm nguy cơ béo phì.
Tác giả chính, Tiến sĩ Amanda Grech, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney (Australia) và Trường Khoa học Đời sống và Môi trường Mỹ, lưu ý : "Khi mọi người tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt hoặc thực phẩm chế biến sẵn và tinh chế, họ sẽ làm loãng chế độ ăn uống của mình, tăng nguy cơ thừa cân và béo phì – vốn có thể dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính".
Chuyên gia dinh dưỡng Kylene Bogden của Cleveland Cavaliers, người không tham gia nghiên cứu trên, cho biết không ngạc nhiên với kết quả này.
Bà Bodgen nói: "Những phát hiện này cực kỳ chính xác. Nhiều người trong chúng ta tiêu thụ thực phẩm chế biến nhiều lần trong ngày, ngày này qua ngày khác, do đó dẫn đến tình trạng viêm mãn tính và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Khi cơ thể bị viêm mãn tính và thiếu hụt chất dinh dưỡng, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi, thèm ăn đường và không thể giảm cân".
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, protein có khả năng làm tăng sản xuất các hormone như PYY và GLP-1, cả hai đều giúp bạn cảm thấy no và hài lòng. Ngoài ra, protein giúp giảm mức độ ghrelin-hormone đói.
Trong một nghiên cứu có kiểm soát trên 12 phụ nữ khỏe mạnh, nhóm tiêu thụ chế độ ăn giàu protein có mức GLP-1 cao hơn, cảm giác no lâu hơn và ít có cảm giác thèm ăn hơn so với nhóm ăn chế độ ăn ít protein hơn. Do những tác động này đến sự thèm ăn và no, lượng protein cao hơn thường dẫn đến việc giảm lượng thức ăn một cách tự nhiên.
Trong một nghiên cứu khác, khi 19 thanh niên khỏe mạnh được phép ăn bao nhiêu tùy thích với chế độ ăn uống bao gồm 30% protein, họ tiêu thụ trung bình ít hơn 441 calo mỗi ngày so với khi họ theo chế độ ăn kiêng bao gồm 10% protein.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng việc hấp thụ 30% tổng lượng calo mỗi ngày từ protein sẽ giúp việc giảm cân trở nên hiệu quả.