Thiếu hụt chất sắt ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể của bạn?
11:57 05/08/2021
Sắt là một khoáng chất quan trọng phải được tiêu thụ thường xuyên vì cơ thể bạn không thể tự sản xuất được.
Theo Times Now, cơ thể cần một số chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động hiệu quả và sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.
Sắt là một khoáng chất phục vụ một số chức năng quan trọng, chức năng chính của nó là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể bạn như một phần của tế bào hồng cầu.
Chế độ ăn uống khuyến nghị (RDA) của sắt cho một người đàn ông trưởng thành là 8 mg và cho một phụ nữ trưởng thành là 18 mg.
Theo Times Now, dưới đây là tác động của thiếu sắt đối với cơ thể con người:
- Thiếu sắt có thể dẫn đến rối loạn chức năng nhận thức vì sắt đóng một phần quan trọng trong sự phát triển của não.
- Sắt cũng cần thiết để tăng cường khả năng miễn dịch và sự thiếu hụt chất này có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật.
- Thiếu sắt có thể gây thiếu máu và dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi. Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không tiêu thụ thực phẩm giàu chất sắt có nguy cơ bị thiếu hụt đặc biệt cao.
- Sự thiếu hụt sắt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sự phát triển của em bé bị cản trở và cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
- Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Thiếu sắt có thể làm giảm năng lực thể chất và sức bền.
Thực phẩm nên ăn để bổ sung sắt
Hai loại sắt có trong chế độ ăn uống là heme và nonheme. Một số loại thực phẩm có thể giúp cung cấp sắt cho cơ thể như sau:
Bông cải xanh
Bông cải xanh vô cùng bổ dưỡng. Một chén (156 gram) bông cải xanh nấu chín chứa 1 mg sắt, chiếm 6% DV.
Hơn nữa, một khẩu phần bông cải xanh cũng cung cấp 112% DV cho vitamin C, giúp cơ thể bạn hấp thụ chất sắt tốt hơn.
Ngoài ra, bông cải xanh cũng cung cấp nhiều folate, chất xơ, cũng như một số vitamin K. Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
Rau bina
Rau bina là một nguồn cung cấp sắt và vitamin C dồi dào. Khoảng 100 gam rau bina chứa 2,7 mg sắt. Hơn nữa, nó có hàm lượng calo thấp nên cũng có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Hạt bí ngô
Khoảng 28 gam hạt bí ngô chứa 2,5 mg sắt. Bạn có thể kết hợp với bột yến mạch, salad, món tráng miệng hoặc nghiền chúng như một món ăn nhẹ.
Sôcôla đen
Sôcôla đen là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Một khẩu phần nhỏ sôcôla đen 28 gam chứa khoảng 3,4 mg sắt và là một nguồn chất chống oxy hóa dồi dào. Bổ sung món ăn nhẹ này vào chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe máu của bạn.
Đậu phụ (đậu hũ)
Một khẩu phần nửa cốc đậu phụ (126 gam) cung cấp 3,4 mg sắt, chiếm 19% DV.
Đậu phụ cũng là một nguồn cung cấp thiamine và một số khoáng chất, bao gồm canxi, magiê và selen. Ngoài ra, nó cung cấp 22 gam protein mỗi khẩu phần.
Đậu phụ còn chứa các hợp chất độc đáo gọi là isoflavone, có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin, giảm nguy cơ bệnh tim và giảm các triệu chứng mãn kinh.
Cá
Cá là một thành phần dinh dưỡng cao và một số loại như cá ngừ đặc biệt có hàm lượng sắt cao.
Một khẩu phần cá ngừ đóng hộp (85 gam) chứa khoảng 1,4 mg sắt, chiếm khoảng 8% DV.
Cá cũng chứa nhiều axit béo omega-3, một loại chất béo có lợi cho tim liên quan đến một số lợi ích sức khỏe.
Ngoài cá ngừ, cá tuyết chấm đen, cá thu và cá mòi là một vài ví dụ khác về các loại cá giàu chất sắt mà bạn cũng có thể đưa vào chế độ ăn uống của mình, theo Healthline.