Trong nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Annals of Internal Medicine, các chuyên gia tại Ðại học California, Los Angeles và Ðại học Hong Kong đã ngẫu nhiên chia hơn 500 người trên 50 tuổi và bị béo phì kiểu “trung tâm” (mỡ thừa chủ yếu tập trung ở vùng bụng) thành 3 nhóm để quan sát, gồm: nhóm tập luyện thái cực quyền, nhóm tập thể dục thông thường và nhóm không tập môn nào. Trong thời gian 3 tháng, hai nhóm tập thái cực quyền và thể dục thông thường được hướng dẫn thực hiện các buổi tập kéo dài 1 tiếng với tần suất 3 buổi/tuần. Tất cả được đo vòng eo trước và sau khi kết thúc nghiên cứu, kéo dài trong khoảng 4 tháng.
Kết quả cuối cùng cho thấy so với nhóm đối chứng, số đo vòng eo của cả hai nhóm vận động đều giảm, đồng thời họ cũng cải thiện được nồng độ cholesterol “tốt” HDL. Theo các tác giả, kết quả này chứng tỏ tập thái cực quyền có thể giúp cho những người trung niên “béo bụng” và ngại tập luyện vì vận động khó khăn giảm cân một cách dễ dàng hơn.
Theo Giáo sư Y học vật lý và phục hồi chức năng Nathan LeBrasseur tại Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), vận động thể chất có lợi cho sức khỏe nhiều mặt bởi nó là một trong những “chiến lược” bảo vệ cơ thể tốt nhất trước nhiều tác động khắc nghiệt của quá trình lão hóa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tập thể dục suốt đời có thể giữ cho cơ thể khỏe mạnh lâu hơn, trì hoãn sự khởi phát của 40 căn bệnh mãn tính, ngăn ngừa suy giảm nhận thức, phòng tránh té ngã, đẩy lùi căng thẳng tinh thần và thậm chí kéo dài tuổi thọ.
Dưới đây là 4 cách chính mà tập thể dục có thể giúp chống lão hóa:
+ Tăng cường sức mạnh cơ. Tình trạng suy giảm khối lượng và sức mạnh cơ (bệnh nhược cơ) diễn ra phổ biến ở người lớn tuổi. Trong khi đó, các bài tập rèn sức bền cho cơ bắp được chứng minh là một trong những cách tốt nhất giúp làm chậm quá trình suy giảm đó, do vừa bảo toàn sức mạnh cơ vừa giúp người tập duy trì khả năng thực hiện các chức năng sinh hoạt thường ngày.
+ Cải thiện mật độ xương. Sau 40 tuổi, cơ thể dần mất nhiều xương hơn là thay thế tế bào xương mới, do khối lượng xương ngừng tăng trưởng từ 30 tuổi trở đi. Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường mật độ xương khi còn trẻ mà còn đẩy lùi nguy cơ loãng xương khi về già. Ðặc biệt, tập luyện kết hợp các bài tập cường độ thấp (như đạp xe, yoga và bơi lội) với các bài tập gánh chịu sức nặng cơ thể có thể giúp cải thiện khả năng thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.
+ Tăng độ dài telomere - phần mũ bảo vệ cấu trúc ADN. Chiều dài telomere bị rút ngắn có liên quan đến một số bệnh mãn tính, bao gồm cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng so với người ít vận động, những người vận động thể chất ở mức độ cao có telomere dài hơn. Ðiều này đặc biệt đúng ở những người lớn tuổi.
+ Cải thiện năng lực nhận thức. Hoạt động thể chất hiện được coi là một trong những phương pháp hứa hẹn nhất để cải thiện nhận thức suốt đời và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức do tuổi tác. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, bao gồm bệnh Alzheimer.
Theo Báo Cần Thơ