Máy tạo ôxy hay máy thở đều cần nước để tạo ẩm và nguồn nước này phải bảo đảm vô trùng. Cần để máy xa khu vực có lửa, không hút thuốc khi sử dụng
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã tìm mua máy tạo ôxy về nhà dự phòng.
Sử dụng đúng cách
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM, kiêm Trưởng đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết với bệnh nhân mắc Covid-19, sử dụng ôxy tại nhà chỉ là một giải pháp tạm thời trong lúc chờ đến bệnh viện điều trị.
Theo BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nếu khuyên người dân không nên tích trữ máy tạo ôxy thì cũng khó. Bởi nếu có những trường hợp không thể chuyển viện ngay do tình trạng bệnh đang quá tải, mà bệnh nhân cần ôxy, ngay thời điểm đó nếu có sẵn máy tạo ôxy tại nhà thì rất tốt, vấn đề là phải biết cách sử dụng cho đúng.
Để sử dụng đúng cách máy tạo ôxy tại nhà, cần quan sát xem người bệnh có thật sự cần thở ôxy hay không. Ví dụ, bệnh nhân cảm thấy mệt, phải thở trên 30 lần một phút, thở gắng sức, tri giác lơ mơ… thì cần cho thở ôxy. Nếu người thở ôxy có đáp ứng tốt thì sẽ không ra mồ hôi, có thể ngồi dậy được, không còn cảm thấy mệt, không còn cảm giác ngộp. Nếu thấy vẫn thở hổn hển, mệt và ra mồ hôi nhiều hơn là không đáp ứng với việc thở ôxy, lúc này cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Để sử dụng máy tạo ôxy an toàn tại nhà, BS Nguyên khuyến cáo cần để máy xa khu vực có lửa, không hút thuốc khi sử dụng máy. Khi sử dụng xong phải kiểm tra và bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
"Khi giảm ôxy trong máu, người bệnh cần được cung cấp ôxy. Nếu bệnh nhân còn tự thở chỉ cần cung cấp ôxy qua máy tạo ôxy. Nếu bệnh nhân không thở được hoặc thở không hiệu quả thì cần phải có máy thở. Phải là nhân viên y tế mới sử dụng được máy thở. Máy tạo ôxy hay máy thở đều cần nước để tạo ẩm và nguồn nước này phải bảo đảm vô trùng" - BS Nguyên thông tin.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ
BS Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết trước khi có dịch Covid-19, máy tạo ôxy cũng được người bệnh sử dụng tại nhà đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, ví dụ như phổi tắc nghẽn mạn tính.
"Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc những người mắc bệnh nặng không có khả năng cứu chữa, người bệnh xin về nhà trong những năm tháng cuối đời họ có thể thuê bình ôxy hoặc mua máy tạo ôxy để thở. Những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sử dụng ôxy tại nhà còn được gọi là liệu pháp ôxy tại nhà. Người bệnh khi nào trở nặng mới vào bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh này không phải thở ôxy liên tục, thường xuyên mà chỉ sử dụng vào ban đêm là chủ yếu hoặc khi khó thở tùy theo tình trạng bệnh" - bác sĩ Ánh cho biết.
Ôxy có thể sử dụng tại nhà gồm bình ôxy và máy tạo ôxy. Bình ôxy là do cơ sở công nghiệp sản xuất chứa khí ôxy còn máy tạo ôxy là chiết xuất khí ôxy từ khí trời. Hai loại này khác nhau nhưng về mục đích thì giống nhau.
Theo BS Ánh, sử dụng ôxy cũng phải có sự tư vấn của nhân viên y tế. Không nên tự ý dùng, như ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu thở ôxy liều quá cao sẽ gây ức chế hô hấp. Tốt nhất trước khi sử dụng máy cho người bệnh mạn tính cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để biết nên sử dụng máy tạo ôxy hay bình ôxy y tế. Nếu dùng máy tạo ôxy thì dùng máy loại 3 lít hay 5 lít cho phù hợp. Nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng mà dùng máy tạo ôxy không đủ cung cấp khí ôxy, sẽ khiến bệnh ngày càng trở nặng.
Cũng cần phải kiểm tra khả năng tạo khí ôxy có liên tục hay không, nồng độ khí ôxy đầu ra có quá cao hay không. Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp thở khí ôxy tại nhà, nếu bệnh nhân có bất kỳ chuyển biến bất thường cần hỏi ngay ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý tăng giảm lưu lượng ôxy.
"Người mắc Covid-19, nếu là F0 không triệu chứng theo dõi tại nhà thì không nhất thiết phải tích trữ bình ôxy hay máy tạo ôxy ở nhà. Nếu người mắc Covid-19 có biểu hiện như hồi hộp, thở hụt hơi, thở khó… cần phải đến bệnh viện điều trị ngay, dù trong gia đình có sẵn máy tạo ôxy"- BS Ánh lưu ý.