Nước ép trái cây đóng chai liệu có tốt như nhiều người nghĩ?
10:56 08/05/2021
Ngày nay, nhiều người tiêu dùng cho rằng nước ép trái cây đóng chai có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với trái cây tươi, sự thật có phải như vậy?
Nước ép trái cây ở siêu thị có thể không lành mạnh ngay cả khi nó được dán nhãn "100% nguyên chất", chất lượng tương đương, cung cấp hàm lượng chất xơ giống với hoa quả tươi. Tuy nhiên, một sự thật là, hầu hết mùi vị trong những chai nước trái cây, chính là hương liệu do các nhà sản xuất cho thêm vào để bù lại hương vị đã mất trong quá trình chế biến. Vì vậy, việc quảng cáo nước trái cây đóng chai nguyên chất đều không đúng, không đảm bảo hương vị ban đầu. Ngoài ra, nước trái cây đóng chai còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng:
Nguồn dinh dưỡng
Nước ép trái cây đóng chai chứa vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, nhưng lại thiếu chất xơ, trong khi hàm lượng đường và calo rất cao.
Cơ thể hấp thụ đường nhanh hơn
Thông thường khi ăn trái cây, bạn cần phải nhai rất nhiều trước khi nuốt, quá trình này sẽ tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, lượng đường chứa trong cấu trúc dạng sợi của trái cây sẽ được tiêu hóa một cách chậm rãi trong dạ dày. Bên cạnh đó, trái cây sẽ khiến bạn mau no và không thể tiêu thụ quá nhiều trái cây trong một lần ăn.
Nhưng nếu bạn uống một ly nước trái cây lớn, nó tương đương tiêu thụ số lượng trái cây nhiều trong khoảng thời gian ngắn, mà hầu như không có chất xơ. Khi đó, lượng đường lớn được hấp thụ và gửi đến gan rất nhanh. Quá trình này diễn ra hệt như khi bạn uống các loại thức uống chứa nhiều đường.
Nguy cơ tích tụ mỡ
Theo nhiều nghiên cứu, phần lớn đường tìm thấy trong nước ép trái cây đóng chai là đường fructose. Và gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa lượng lớn đường fructose. Nhưng khi gan nhận quá nhiều đường và bị quá tải, lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong gan, dẫn đến bệnh kháng insulin. Các nghiên cứu cũng chỉ ra lượng đường dư thừa từ nước ép trái cây cũng làm tăng triglycerid, cholesterol xấu và gây tích tụ mỡ bụng trong ít nhất 10 tuần. Thậm chí, tiêu thụ nhiều hơn 2 chai nước ép mỗi ngày tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ.
Tăng nguy cơ béo phì
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em sử dụng nước trái cây đóng chai thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn đến 60%.
Bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Harvard, các chuyên gia cho biết việc tiêu thụ các loại nước uống có chứa hàm lượng đường cao mỗi ngày sẽ đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở đàn ông. Và các loại nước ép trái cây đóng chai đều được xếp vào danh sách các loại thức uống chứa nhiều đường. Chính vì thế, nếu bạn muốn giữ cho tim mình khỏe mạnh, bảo đảm hàm lượng insulin trong cơ thể, hoặc giữ cân nặng ở mức vừa phải, tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc cắt hẳn các loại nước ép trái cây ra khỏi chế độ ăn uống.
Bệnh răng miệng
Các loại nước ép trái cây đóng chai cũng là một trong các yếu tố dẫn đến vấn đề về răng miệng. Các loại axit cũng như lượng đường, có trong nước ép trái cây có thể bào mòn lớp men răng, dẫn đến chứng sâu răng.