Tổng quan về chứng nóng gan
Nóng gan là thuật ngữ được dùng phổ biến trong dân gian. Khi gan bị bệnh hoặc tổn thương, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng nổi mẩn ngứa, mụn nhọt, nóng bức gây khó chịu trong người.
Tuy nhiên, về mặt y học không hề tồn tại định nghĩa nóng gan. Chứng nóng gan thường được hiểu là do uống nhiều bia rượu, các chất kích thích, ăn nhiều đồ ngọt, dầu mỡ… Lúc này, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, thậm chí quá tải để loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, khi các chất độc hại tổng tấn công vào gan làm kích thích tế bào Kupffer (làm nhiệm vụ miễn dịch ở tại gan) một cách thái quá, giải phóng ra các chất gây viêm như Interleukin, TNF-α, TGF-β… Hậu quả của quá trình này là tế bào gan bị tổn thương, gây suy giảm khả năng giải độc của gan. Điều này khiến tích tụ độc tố trong cơ thể và làm phát sinh chứng gan nóng mà dân gian hay gọi.
Tuy nhiên, nên chú ý rằng biểu hiện nóng gan không phải cứ bị nổi nhiều mụn, bứt rứt, khó ngủ, chán ăn, mệt mỏi… Việc tùy tiện dùng các loại nước uống thanh nhiệt, thuốc mát gan, giải độc gan không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Nổi mụn nhiều trên da mặt và cơ thể, kèm theo mệt mỏi, chán ăn rất có thể là dấu hiệu gan đang trục trặc hoặc mắc một bệnh lý nào đó. Việc dùng các loại thuốc chưa được nghiên cứu khoa học rõ ràng không chỉ làm tổn thương gan mà còn làm mất đi các triệu chứng bệnh lý rõ ràng, khiến việc phát hiện bệnh gặp khó khăn.
Nguyên nhân gây nóng gan
Việc tìm hiểu và xác định nguyên nhân gây hiện tượng nóng gan giúp bạn tự kiểm tra xem bản thân có thực sự nằm trong đối tượng bị nóng gan không và kịp thời đưa ra được giải pháp tuyệt vời. Điều này giúp gan phục hồi chức năng bình thường cụ thể:
Thường xuyên sử dụng nhiều rượu bia, các đồ uống có chứa cồn: cồn là chất độc hại, có thể khiến bạn tăng nguy cơ bị tổn thương gan. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chứng nóng gan.
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, dung nạp nhiều chất độc hại: các thực phẩm bẩn, thiếu an toàn và thức ăn nhanh “lên ngôi” khiến gan tích tụ các chất độc. Bên cạnh đó, ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ và cay nóng, nhiều đường và muối tạo áp lực nặng nề lên gan, tăng tích trữ chất béo triglyceride. Chúng gây ra tình trạng nóng gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan,…
Lạm dụng thuốc điều trị: hầu hết các loại thuốc điều trị đều chuyển hóa qua gan và thận. Do đó, nếu thường xuyên lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh… gan và thận có thể bị suy giảm chức năng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Thói quen sinh kém khoa học: Gan và túi mật giải độc vào khoảng thời gian từ 23h đến 5h sáng. Việc thường xuyên thức khuya và không ngủ đủ giấc sẽ làm độc tố dễ tích tụ trong gan. Chúng gây suy giảm chức năng gan và sinh ra bệnh nóng gan.
Một số yếu tố khác: thường xuyên làm việc và tiếp xúc với hóa chất, ở trong môi trường ô nhiễm, bụi mịn, thời tiết quá nóng bức khắc nghiệt.
Nóng gan ăn gì?
Để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, người bị nóng gan nên ăn nhiều các thực phẩm bổ sung vitamin và chất xơ tốt cho gan, như ngũ cốc, thịt cá, các loại hoa quả cung cấp vitamin như quả cam, quả táo… Đồng thời, thực đơn hàng ngày cũng nên cung cấp thêm các loại rau như rau dền và rau bí, rau cải… để hỗ trợ cho gan.
Nếu bị nóng gan, bạn nên hạn chế những thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng vì có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến quá trình hoạt động của gan. Bên cạnh đó, bạn nên duy trì chế độ ăn uống điều độ, khoa học nhằm làm giảm quá trình tích tụ nhiều chất béo, các chất độc hại lâu ngày dẫn đến tình trạng gây hại cho gan. Đừng quên vận động và tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh từ bên trong nhé!
Theo Báo Thanh Hóa
https://baothanhhoa.vn/thuoc-dinh-duong/nong-gan-la-benh-gi/140173.htm