Nguyên tắc ăn uống giúp trẻ luôn khỏe mạnh trong ngày Tết
15:32 21/12/2022
Việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày lễ Tết luôn là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh.
Tết đang đến gần và đối với các gia đình, điều này thường có nghĩa là lịch trình bận rộn với nhiều bữa tiệc, lễ hội. Để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và không bị phụ thuộc vào thực phẩm trong kỳ nghỉ lễ, các gia đình có thể thực hiện theo 6 nguyên tắc dưới đây để giúp trẻ nhỏ luôn khỏe mạnh.
Tuân thủ lịch trình ăn uống lành mạnh
Mặc dù sự thay đổi về lịch trình ăn uống của trẻ trong ngày nghỉ là bình thường, điều quan trọng là cố gắng tuân thủ thói quen ăn uống thường ngày của con càng nhiều càng tốt. Cha mẹ cần lên lịch cho các bữa ăn chính và ăn nhẹ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, nhưng đừng quá căng thẳng nếu đôi khi bị sai lệch thời gian.
Hầu hết trẻ nhỏ cần 3 bữa ăn chính mỗi ngày, xen kẽ với các bữa ăn nhẹ lành mạnh để đảm bảo trẻ ăn 2-3 giờ một lần.
Cho trẻ vào bếp
Theo Bệnh viện Nhi Quốc gia Mỹ, một cách tuyệt vời để giúp con bạn bận rộn trong kỳ nghỉ lễ là để trẻ vào bếp cùng gia đình. Hầu hết trẻ em rất thích khoảng thời gian này với cha mẹ. Tham gia chuẩn bị, nấu đồ ăn giúp trẻ được tìm hiểu về các loại thực phẩm khác nhau và xây dựng các kỹ năng có thể sử dụng khi trưởng thành.
Hoạt động này cũng kích thích trẻ quan tâm và tò mò hơn trong việc thử những món ăn mới, đặc biệt món ăn do trẻ chuẩn bị. Cách "lôi kéo" trẻ vào bếp:
Để con tự chọn một món ăn lành mạnh.
Cho trẻ tham gia nấu ăn với nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi như trộn và khuấy đồ ăn, nhặt rau...
Giúp cha mẹ đọc công thức nấu ăn.
Lấy đồ ăn.
Dọn bàn ăn.
Không bỏ qua rau củ
Rau củ có thể không phải là thực phẩm đầu tiên bạn nghĩ đến trong những ngày lễ Tết. Tuy nhiên, chúng cần phải có trong bữa ăn hàng ngày. Những cách để khiến trẻ ăn nhiều rau hơn:
Nếu bạn đi ăn nhà hàng, hãy kết hợp rau bằng cách gọi một số món ăn kèm từ rau.
Thêm rau củ (ví dụ cà rốt thái hạt lựu và bí xanh) vào món ăn yêu thích của con.
Thêm rau củ xay vào sinh tố cho bữa sáng.
Cung cấp nhiều loại rau củ có màu sắc/kết cấu khác nhau để hấp dẫn trẻ.
Thử nghiệm với các loại rau củ nóng/lạnh/nấu chín/sống khác nhau cũng có thể hữu ích.
Chuẩn bị đồ ăn nhẹ lành mạnh
Trẻ dễ bị đói giữa các bữa ăn. Tuy nhiên, nhiều món ăn nhẹ đóng gói không phải là lựa chọn tốt nhất vì chứa nhiều đường bổ sung, chất béo không lành mạnh và các thành phần nhân tạo. Thời gian ăn nhẹ là cơ hội tốt để bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng vào chế độ ăn của con bạn.
Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn những món ăn vặt giàu chất dinh dưỡng để luôn có thể phục cho con khi cần thiết. Một số món ăn dễ làm có thể bao gồm: Sữa chua, hoa quả, sinh tố táo với bơ đậu phộng, bắp rang bơ, trứng luộc...
Là hình mẫu tốt
Là cha mẹ, bạn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống của con cái. Dành nhiều thời gian hơn với trẻ ở nhà trong những ngày nghỉ là cơ hội tốt để làm gương cho hành vi ăn uống lành mạnh.
Nếu bạn thường xuyên ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, trẻ cũng có nhiều khả năng sẽ hình thành thói quen lành mạnh này. Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian để chuẩn bị những bữa ăn cân bằng, lành mạnh và ngồi ăn cùng con. Bằng cách nêu gương tốt, trẻ sẽ học được tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh từ cha mẹ.
Cho phép trẻ ăn thực phẩm yêu thích ở mức độ vừa phải
Những ngày nghỉ lễ thường đi đôi với sự gia tăng các loại thực phẩm đặc biệt, kém lành mạnh trong chế độ ăn của trẻ em. Mặc dù một lượng nhỏ các loại thực phẩm chế biến sẵn này là hoàn toàn bình thường, việc ăn quá nhiều có thể trở thành vấn đề.
Nguyên tắc ăn uống cho trẻ trong ngày lễ:
- 80% thời gian: Khuyến khích con bạn ăn những thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển và sức khỏe tổng thể. Các thực phẩm này bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, dầu tốt cho sức khỏe, các loại hạt, sữa, thịt nạc, trứng và cá.
- 20% thời gian: Cho phép trẻ ăn một số món ăn mà chúng thích. Thực phẩm này có thể chứa ít chất dinh dưỡng hơn, không hữu ích cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, thi thoảng cho phép con thưởng thức chúng, điều quan trọng nhất là đừng khiến trẻ cảm thấy tội lỗi khi thưởng thức những món ăn mà chúng yêu thích.