Nguyên tắc ăn uống giúp người mắc ung thư không bị suy kiệt
16:19 19/07/2021
Do nhiều nguyên nhân, suy kiệt là một nguy cơ đối với người bệnh ung thư. Suy kiệt khiến người bệnh không chống chọi được với bệnh tật và tử vong. Ăn uống đúng cách sẽ giúp giảm tình trạng này.
Mất cảm giác thèm ăn, đau đớn không ăn uống được là một nguy cơ lớn đối với bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, trong quá trình điều trị ung thư bệnh nhân chán nản, bị tác dụng phụ của việc điều trị hóa trị xạ… khiến bệnh nhân không ăn uống dẫn đến suy kiệt. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị mắc phải những sai lầm về dinh dưỡng như: kiêng cữ, áp dụng sai cách chế độ ăn… dẫn đến người bệnh suy kiệt, không chống chọi được với bệnh tật và tử vong.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Mắc ung thư, người bệnh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng như thế nào để giúp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ khi điều trị ?
Chia sẻ về vấn đề này, theo chuyên gia dinh dưỡng PGS. BS. Lê Bạch Mai-Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể được áp dụng hóa xạ trị... hoặc các phương pháp khác nhưng trước, trong và sau thời gian điều trị đều cần được cung cấp đầy đủ năng lượng.
Các chuyên gia khuyến cáo, dinh dưỡng và can thiệp dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị, thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư. Một chế độ dinh dưỡng đúng có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, thông thường với nhu cầu năng lượng khuyến nghị đối với người bệnh có thể trạng bình thường là 30-35 Kcal/kg/ngày. Nhưng đối với người bệnh ung thư thừa cân, béo phì nhu cầu năng lượng khuyến nghị cần tính theo cân nặng lý tưởng. Và tương tự người bệnh suy kiệt nặng thì nên tính nhu cầu năng lượng theo cân nặng thường có, sau đó nên tăng từ từ cho đến khi đạt được nhu cầu khuyến nghị theo cân nặng lý tưởng. BS Mai chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong quá trình điều trị ung thư bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn nên thường chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn... vì vậy người bệnh cần chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa chứ không phải 3 bữa một ngày. Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như cháo loãng hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa như bánh mì…
Đối với một số bệnh nhân mắc phải vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy thì cần bổ sung các thực phẩm giàu natri và kali như: khoai tây, cà rốt, chuối, cam, tránh các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…
Một lưu ý mà người bệnh ung thư cần nhớ đó là việc bổ sung nước cho đủ nhằm hạn chế tình trạng khô miệng, uống từ từ từng ngụm nhỏ.
Ngoài ra người bệnh ung thư cần đi lại vận động nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa và trao đổi chất diễn ra tốt hơn. Người bệnh ung thư cần chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý có sự tư vấn của các bác sĩ trước, trong và sau quá trình điều trị, nhằm tăng cường thể lực trong quá trình điều trị. BS Mai khuyến cáo.
Điều đáng lo ngại một số bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát đã ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.