Ăn đúng + đủ = Bí kíp dinh dưỡng đặc biệt giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu
10:59 17/07/2021
Dinh dưỡng là “chìa khoá” quan trọng nhất mà chúng ta có thể dễ dàng tác động để cải thiện tầm vóc cho trẻ. Nhưng ăn uống như thế nào mới thực sự giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả không phải bố mẹ nào cũng nắm rõ!
Chiều cao bị tác động bởi khá nhiều yếu tố, từ gen di truyền đến dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, môi trường sống… Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất mà chúng ta có thể dễ dàng tác động được. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng không chỉ giúp con có cơ thể khoẻ mạnh mà còn giúp tăng trưởng chiều cao tối ưu.
Hiểu đúng về “cân bằng dinh dưỡng” để xây dựng thực đơn khoa học cho trẻ
Ở mỗi giai đoạn lứa tuổi, trẻ cần hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn thức ăn chính. Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ bắt đầu ăn dặm để tập làm quen với các loại thức ăn khác nhau ngoài sữa. Trên 1 tuổi, sữa không còn là thực phẩm chính, thay vào đó, phụ huynh nên chú trọng xây dựng thực đơn đa dạng và cân bằng để cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho quá trình tăng trưởng chiều cao.
Bữa ăn chính trong ngày cần đảm bảo đủ các nhóm chất thiết yếu (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) với tỉ lệ cân đối. Cụ thể: Tinh bột (cơm, bún, phở, bánh mì, nui, khoai…) chiếm khoảng 30 – 50% khẩu phần ăn (tuỳ vào thể trạng của trẻ); chất đạm (từ các loại thịt, cá, trứng, sữa…) khoảng 20%; chất béo (dầu, mỡ) khoảng 20%, còn lại là vitamin, chất xơ từ rau củ quả. Trẻ cần đảm bảo uống đủ nước để cân bằng điện giải cho cơ thể.
Ngoài 3 bữa chính, phụ huynh nên bổ sung thêm 2-3 bữa phụ (tuỳ vào độ tuổi của trẻ) để đảm bảo trẻ đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất. Bữa phụ có thể là trái cây, bánh hoặc sữa… Nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, trà sữa… bởi chúng làm mất cân bằng các nhóm chất kể trên.
Đặc biệt, bố mẹ nên chú trọng bữa sáng cho con bởi nếu trẻ bỏ hoặc ăn sáng không đầy đủ sẽ không cung cấp đủ năng lượng cần thiết, lâu dài ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển thể chất, trí tuệ.
Theo một báo cáo của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Châu Âu, Hà Lan là quốc gia có tỷ lệ trẻ em ăn và hoàn thành bữa sáng cao nhất trong các nước Châu Âu (94%), luôn đẩy mạnh giáo dục cha mẹ về bữa sáng là bữa tốt nhất trong ngày. Đó là một trong những lý do giúp Hà Lan trở thành quốc gia có chiều cao trung bình cao nhất thế giới.
Đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương chắc khoẻ, trẻ tăng chiều cao chuẩn khoa học
Tập trung vào các yếu tố dinh dưỡng then chốt ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển xương là một “chiến lược” khôn ngoan nếu bố mẹ muốn con tăng chiều cao khoa học.
Theo BS. Vamsee D. Myneni (Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ), bộ xương đòi hỏi các chất dinh dưỡng để phát triển. Nếu được đáp ứng dinh dưỡng tốt, xương phát triển cả về độ dày (sự chắc khỏe) và độ dài (chiều cao). Nếu dinh dưỡng không được đáp ứng tốt sẽ dẫn đến tình trạng xương yếu, biến dạng xương, còi xương,…
Trong đó, có 3 yếu tố dinh dưỡng chính ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển xương, bao gồm: canxi, vitamin D3, vitamin K2…
- Canxi là khoáng chất chính trong xương, giúp xương chắc khỏe và dài ra. Nên chú trọng các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, hải sản, trứng, đậu phụ, sữa, sữa chua, phô mai… Canxi từ thực phẩm dễ hấp thu và an toàn nhất cho trẻ.
- Vitamin D3 quyết định đến khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, nếu thiếu vitamin D3, trẻ chỉ hấp thu được 10 – 15% canxi từ thực phẩm. Thiếu vitamin D3 gây ra sự khoáng hoá kém trên toàn bộ xương, là nguyên nhân dẫn đến còi xương, thấp còi ở trẻ.
- Vitamin K2 phối hợp cùng vitamin D3 đưa canxi gắn vào xương tối ưu, thúc đẩy các tế bào tạo xương tăng sản xuất collagen nhiều hơn, làm nền cho canxi và các khoáng chất khác lắng đọng tại xương tốt hơn. Từ đó giúp xương gia tăng về mật độ, khối lượng, kích thước chiều dài.