Mùa hè nắng nóng, thực phẩm dễ ôi, thiu, cộng với thói quen sử dụng thực phẩm có phần tùy tiện và đạo đức kinh doanh của các cơ sở chế biến còn thấp là những nguyên nhân khiến số vụ ngộ độc thực phẩm có nguy cơ tăng cao khi hè tới.
Đến hẹn lại lo
Ngày 18-5 trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 26 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mỳ của cửa hàng có tên Thành Phát. Cùng thời gian, ở tỉnh Cao Bằng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng khiến 20 người nhập viện, 2 trẻ tử vong sau khi ăn cỗ cưới có món mỳ tôm xào trứng bị thiu. Trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra các vụ ngộ độc ở một số cơ sở giáo dục như Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal, Trường Tiểu học Isaac Newton (quận Nam Từ Liêm) sau bữa ăn bán trú giữa giờ... Thực trạng mới đầu hè mà đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng người mắc lớn đang khiến dư luận bất an.
Theo cảnh báo của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ngoài các nguyên nhân như nguyên liệu và sản phẩm có chứa độc tố, do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm, do các chất phụ gia thì không khí nóng ẩm của mùa hè cũng dễ làm thực phẩm ôi thiu, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn, nhất là tại các bếp ăn tập thể.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay: Có nhiều loại vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm, trong đó phải kể đến vi khuẩn và vi nấm. Vi khuẩn thường gặp nhất trong ngộ độc thực phẩm là vi khuẩn tả - loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường bên ngoài khá lâu, nhất là trong nước và thực phẩm. Vi khuẩn tả có độc tố mạnh, nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời, rất dễ dẫn đến trụy tim mạch, gây tử vong hoặc bị suy thận cấp do mất nước và chất điện giải ồ ạt.
Thứ hai là vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli... Người ăn phải một số lượng đáng kể những vi khuẩn này sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng xuất hiện liên hoàn như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng có thể do vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus) vừa gây bệnh bằng nội độc tố vừa gây bệnh bằng ngoại độc tố.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong. Số vụ và số người mắc đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nhất tại những bếp ăn trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến là bếp ăn tập thể ở các trường học, cơ quan. “Khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu.
Thêm vào đó, nhiều bếp ăn tập thể sử dụng nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, trong khi khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không bảo đảm an toàn.
Bảo quản, chế biến đúng cách
Để sử dụng thực phẩm an toàn, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc, tránh tâm lý “tiếc của” nên cố sử dụng. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng thì không nên dùng dù quan sát bằng mắt thường, sản phẩm chưa xuất hiện yếu tố khác lạ. Không trữ thực phẩm quá lâu, kể cả là để trong tủ lạnh, mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó.
Người dân cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm. Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng.
Còn theo ý kiến của PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, để giúp bảo quản thực phẩm an toàn, trước tiên cần biết cách lựa chọn thực phẩm. Chẳng hạn, với rau củ quả thì cần chọn loại có màu sắc tự nhiên, không có mùi hóa chất, không héo úa. Các thực phẩm sấy khô phải đảm bảo không mốc, không có mùi vị lạ. Các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc, ngô nếu bị mốc sẽ bị nhiễm độc tố vi nấm, rất nguy hiểm.
Thời tiết mùa hè nắng nóng, thực phẩm rất dễ hỏng. Vì vậy, chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Với thực phẩm đông lạnh, cần rã đông hoàn toàn trước khi nấu. Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín; ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái.
Khi chế biến thực phẩm, cần đảm bảo vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến. Sử dụng nguồn nước sạch. Nên ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng thì cần bảo quản kỹ thực phẩm bằng cách che, đậy bằng hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng. Nếu để sau 2 giờ thì phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.