Nữ sinh 16 tuổi ở TP HCM, mặt mọc mụn rải rác, hai bên má nhiều mụn viêm, mụn đầu trắng. Em tự xử lý mụn, nặn bằng tay và dùng nước muối vệ sinh, tuy nhiên tình trạng thêm nặng, càng lớn càng nhiều mụn, mặt có nhiều vết sẹo rỗ, lỗ chân lông to. Bác sĩ kê đơn kháng sinh và thuốc trị mụn, hướng dẫn chăm sóc da tại nhà để cải thiện tình trạng da.
Ngày 17/9, bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da Liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết mụn là vấn đề thường gặp ở tuổi dậy thì. Trong đó, trứng cá là phổ biến nhất, ngoài ra còn có mụn đầu đen, mụn mủ, mụn viêm... Ở tuổi này, trẻ chưa có nhiều kiến thức chăm sóc, tự ý nặn mụn khiến da bị tổn thương. Đây là giai đoạn các tuyến nội tiết phát triển mạnh, dẫn đến sự tăng sản xuất các nội tiết tố, trong đó có nội tiết tố androgen, làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn cũng như tăng sừng vùng phễu nang lông. "Mỗi loại mụn có cách xử lý và điều trị khác nhau", bác sĩ nói.
Nặn mụn đúng cách
Để loại bỏ mụn, nên sử dụng dụng cụ lấy mụn chuyên dụng và vô trùng, giảm nguy cơ tái nhiễm, an toàn, ít để lại sẹo... Đầu tiên, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như cây nặn mụn, bông gòn, tăm bông, nhíp gắp mụn. Dùng cồn để vệ sinh cây nặn mụn và nhíp gắp mụn. Tiếp đến là rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt, lau khô da. Xông hơi da mặt để các lỗ chân lông giãn nở, giảm đau. Có thể bổ sung thêm vài giọt tinh dầu tràm trà, oải hương... vào nước xông để tăng hương vị và kích thích lỗ chân lông nong rộng.
Dùng đầu ngón tay trỏ và giữa có kèm bông gòn cố định vùng da cần nặn mụn. Sử dụng dụng cụ chuyên nặn mụn ấn nhẹ để đầu mụn ra ngoài dễ dàng. Cần lấy sạch hết nhân mụn, sau đó dùng bông gòn lau sạch dịch và máu chảy ra.
"Để tránh khi nặn mụn mặt bị sưng hay thâm, tốt nhất là nên để mụn tự lành. Nếu buộc phải xử lý, chỉ nặn với những mụn không viêm hay những mụn đã chín, mọc riêng, sờ không thấy đau", bác sĩ khuyên.
Mụn đầu đen khi mở ra, dầu bị oxy hóa khiến nó có màu sẫm hơn. Lúc này, xử lý chúng tương tự như mụn đầu trắng, làm sạch kỹ. Còn mụn sẩn viêm thực chất là mụn đầu đen hoặc đầu trắng, khi bị viêm chuyển thành các nốt sẩn viêm. Loại mụn này thường đỏ, sưng nhẹ, đau khi chạm vào, có nhân là chất bã màu trắng ngà vàng. "Loại mụn này nếu tự ý nặn hoặc ép ra có thể làm nặng hơn, nguy cơ tạo sẹo rất cao", bác sĩ nói.
Với mụn có mủ và quầng viêm đỏ bao xung quanh, bác sĩ khuyến cáo không nên nặn cho đến khi mụn mủ khô lại, nhân mụn trồi lên. Đây là dạng mụn viêm nghiêm trọng nhất và điều trị khó khăn hơn. Trường hợp này, bạn nên đi khám da liễu để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, không nên tự chữa vì có thể gây viêm nhiễm, nguy cơ để lại sẹo cao.
Sau khi nặn mụn cần vệ sinh sạch da để ngừa viêm nhiễm. Sử dụng thuốc có chứa benzoyl peroxide bôi lên vùng da vừa nặn mụn, giúp kháng viêm, hồng ban, thâm mụn và giúp đốm mụn mau khô hơn. Nếu mụn tái phát nhiều lần, không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Sau khi nặn nên giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, chăm sóc da bằng chế độ vệ sinh khoa học, lành mạnh... để phòng ngừa mụn. Sau đó, bạn duy trì chu trình làm sạch da, sử dụng kem hoặc thuốc đặc trị, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, không chạm tay lên mặt. Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao, hạn chế trang điểm và tẩy tế bào chết định kỳ.
Theo báo Vnexpess
https://vnexpress.net/nan-mun-dung-cach-tranh-seo-ro-hoa-4512491.html