Hai tuần sau khi uống thuốc kháng sinh, người đàn ông 64 tuổi, tại Ohio, cho biết lưỡi của ông đã chuyển sang màu xanh.
Trường hợp này được báo cáo trên Tạp chí Y khoa New England hồi tháng 6. Bệnh nhân cho biết vừa hoàn thành một đợt kháng sinh kéo dài 21 ngày trước khi đến gặp bác sĩ.
Ông được chẩn đoán mắc hội chứng hiếm gặp gọi là lưỡi lông (hairy tongue), khiến các phần gai trên lưỡi bị đổi màu và mọc dài ra. Học viện Y khoa Răng miệng Mỹ (AAOM) cho biết khoảng 13% dân số có lông trên lưỡi, tình trạng này tương đối vô hại và phổ biến.
Nhú dạng sợi lông là những chỗ phình ra dưới màng nhầy của lưỡi, giúp làm nhám bề mặt, hỗ trợ hoạt động nhai, nói và giữ cho khoang miệng sạch sẽ.
Thông thường, các nhú dạng sợi sẽ bị mòn khi mọi người đánh răng thường xuyên và ăn thức ăn đặc. Tuy nhiên, protein keratin có thể tích tụ trên những nhú này nếu đầu lưỡi không được mài mòn, theo AAOM. Vì vậy, nhiều người có nguy cơ phát triển bệnh lưỡi lông nếu vệ sinh răng miệng kém hoặc đang trong chế độ ăn thức ăn mềm do các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, một số loại thuốc như kháng sinh dễ làm thay đổi loại vi khuẩn trong miệng và gây hiện tượng trên.
Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lưỡi lông, vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn và mảng bám tích tụ trên lưỡi. Việc dùng một số kháng sinh cũng có thể thay đổi lượng vi khuẩn trong khoang miệng, khiến lưỡi đổi màu. Thông thường, lưỡi người bệnh sẽ bị chuyển sang màu đen, nâu, vàng hoặc xanh lục, như trường hợp của bệnh nhân 64 tuổi.
Theo AAOM, lưỡi lông phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Bệnh nhân không cần điều trị bằng bất cứ loại thuốc nào. Trường hợp bệnh nhân ở Ohio được khuyên chà nhẹ bề mặt lưỡi bằng bàn chải đánh răng 4 lần mỗi ngày và ngừng hút thuốc.
6 tháng sau khi bị bệnh, lưỡi của bệnh nhân đã trở lại bình thường, dù thực tế ông không cai thuốc lá.