Chị Thi, 35 tuổi, ho dữ dội, khó thở, bác sĩ phát hiện hẹp 70% đường kính khí phế quản do di chứng lao phổi, thuộc dạng ít gặp.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Mai Khuê, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết tỷ lệ bị hẹp khí phế quản nặng do bệnh lao khí phế quản chiếm khoảng 70% trường hợp. Trường hợp lao phổi kèm lao khí phế quản như chị Thi chỉ chiếm 10-39% ca, khoảng 10-20% trường hợp không được phát hiện, điều trị muộn. Trước đó, người bệnh từng đến một số bệnh viện khám nhưng không phát hiện bất thường.
Chị Thi từng điều trị lao phổi 8 năm trước. Theo bác sĩ Mai Khuê, sẹo cũ do di chứng của hai bệnh lao gây co kéo cấu trúc xung quanh, dẫn đến hẹp đường thở. Nếu khí phế quản hẹp nhiều hơn thì càng nguy hiểm, bệnh nhân có thể không thở được.
Người bệnh được theo dõi, đánh giá để đặt stent khí - phế quản hoặc phẫu thuật tái tạo phế quản bằng đường dẫn khí nhân tạo để mở rộng đường thở. Hiện, người bệnh xuất viện, tái khám sau một tuần để đánh giá.
Người bị sẹo hẹp khí phế quản nếu không điều trị kịp thời sẽ có triệu chứng thở khó, thở rít, da môi và miệng nhợt nhạt, xanh tím do thiếu oxy... Người bệnh khó thở nhưng không khỏi khi dùng thuốc, gắng sức cũng không dễ thở hơn. Lâu ngày làm tăng nguy cơ viêm phổi, viêm khí phế quản dễ tái phát.
Bác sĩ Khuê cho biết thêm, thông thường, lao phổi và lao nội mạc khí phế quản có thể để lại di chứng hẹp khí phế quản, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, xơ phổi do vi khuẩn lao, suy hô hấp, viêm phổi do nấm aspergillus, viêm phổi với tác nhân không điển hình... Sau điều trị, nếu có các biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến viện khám ngay.