Các chuyên gia từ ĐH Vienna, Áo, cho biết ăn rau chân vịt hoặc các loại rau lá xanh giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.
Các nhà vi sinh vật học tại Đại học Vienna và Đại học Konstanz đã phát hiện các rau xanh như cải xoăn, cải ngọt... có chứa một hợp chất đường gọi là sulfoquinovose. Hợp chất thúc đẩy sự phát triển của loại vi khuẩn quan trọng trong đường ruột. Vi khuẩn này tạo khí hydrogen sulfide, có mùi giống trứng thối, tác dụng kháng viêm trên cơ thể.
Hệ vi sinh đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa thực phẩm, có tác động đến sức khỏe tổng thể. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm hiểu chính xác cách thức hệ vi sinh đường ruột chuyển hóa sulfoquinovose.
Các chuyên gia cho biết hợp chất đường sulfoquinovose trong các loại rau xanh thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn có tên Eubacterium directale, một trong 10 loại vi khuẩn đường ruột phổ biến nhất ở người khỏe mạnh.
Các loại rau như rau chân vịt, rau bina hoặc cải xoăn cũng là nguồn cung cấp chất xơ, các dưỡng chất như folate, vitamin C, vitamin K và vitamin A. Thông thường, trong rau xanh có hai loại chất xơ: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Mỗi loại có tác dụng khác nhau đối với đường ruột.
Chất xơ không hòa tan giúp nhuận tràng, chuyển hóa cùng phân và điều chỉnh nhu động ruột. Chất xơ hòa tan có thể phân hủy thành dạng gel trong ruột và ruột kết, giúp bảo vệ đường ruột khỏi tình trạng viêm, là nguồn thức ăn cho lợi khuẩn.
Dù vậy, nhiều người không có thói quen ăn rau họ cải hàng ngày, bởi vị đắng đặc trưng. Các chuyên gia khuyến khích xay nhuyễn và nấu rau thành súp, thêm rau vào các loại nước dùng. Bạn có thể cắt nhỏ rau cải, nấu chung với mì ống, nhồi vào các loại củ quả.
Bên cạnh lợi ích về đường ruột, cải và các loại rau xanh còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp cao, ung thư... Ăn rau làm giảm mức cholesterol và tăng axit folic trong máu.
Khi thiếu các vitamin và khoáng chất từ rau, hoa quả, cơ thể sẽ có một số biểu hiện không tích cực như dễ bị bầm tím, hay quên, mệt mỏi, dễ bị viêm nhiễm, căng thẳng, gặp vấn đề tiêu hóa, nhiễm trùng...