Kết hợp Đông y trong điều trị, giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư
17:39 04/10/2022
Kết hợp thuốc đông y trong điều trị ung thư giúp làm giảm triệu chứng bệnh, giảm tác dụng phụ của hóa - xạ trị, tăng chất lượng sống và thời gian sống cho bệnh nhân ung thư… Đây là kết quả từ rất nhiều nghiên cứu lâm sàng trên thế giới.
Trước nay, ung thư vẫn được điều trị bằng các liệu pháp của tây y. Thời gian gần đây, nhiều nền y học tiên tiến đang nỗ lực thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng để kết hợp thuốc đông y vào điều trị ung thư. Trong đó, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia y khoa tại Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Các nghiên cứu lâm sàng và kết quả đáng mừng
Tại hội thảo "Vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc và điều trị ung thư" do Liên chi hội Đông - Tây y TPHCM vừa được tổ chức tại TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Hồng Diễm - bộ môn y học cổ truyền, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết kết hợp thuốc đông y trong điều trị ung thư giúp làm giảm triệu chứng có liên quan đến ung thư, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, làm giảm tác dụng phụ và biến chứng của các phương pháp điều trị tây y; đồng thời hỗ trợ chống ung thư bằng cơ chế điều hòa miễn dịch và tăng hiệu quả trong điều trị hóa - xạ trị.
Các nghiên cứu lâm sàng trên nhiều nhóm bệnh nhân ung thư tại Mỹ đã chứng minh nhận định trên. Bệnh nhân được sử dụng kết hợp sản phẩm viên nang từ bài thuốc Hoàng cầm thang (hoàng cầm, bạch thược, chích thảo, đại táo - PHY906) trong quá trình điều trị một số loại ung thư đại trực tràng, ung thư gan… (PHY906 được chiết xuất bằng nước nóng sau đó phun khô thành bột hạt và đóng gói dưới dạng viên nang theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt tuân theo CGMP, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ).
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Kummar và cộng sự (2011), tại nhiều trung tâm ung thư, y khoa ở Mỹ cho thấy PHY906 làm giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy và buồn nôn, nôn do hóa trị, làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc tiêu chảy cấp 3 và 4, buồn nôn, nôn và mệt mỏi trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Đồng thời, bài thuốc này không làm thay đổi dược động học của các thuốc hóa trị.
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi hóa trị điều trị ung thư là ức chế tủy, gây các biến chứng nặng như giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm tiểu cầu gây xuất huyết; dẫn đến hóa trị thất bại và tử vong. Một nghiên cứu của Wang li-fang và cộng sự đã cho thấy sau bảy ngày được dùng bài thuốc Song hoàng thăng bạch, số lượng bạch cầu của bệnh nhân ung thư tăng đáng kể so với nhóm không dùng.
Theo nghiên cứu của Xiao Z cùng các cộng sự, năm 2020, trên 50 bệnh nhân ung thư phổi (thể khí huyết lưỡng hư), cho dùng thang kiện tỳ sinh tủy (đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, thăng ma, sài hồ, thỏ ty tử, nhục thung dung, sơn thù) giúp cải thiện rõ rệt mức độ mệt mỏi. Một nghiên cứu khác của Chong Zhong cùng cộng sự, năm 2014, trên 60 bệnh nhân ung thư gan được dùng bài thuốc Hóa ứ kiện tỳ thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, sài hồ, hoài sơn, đam sâm, khương hoàng, nga truật), ba ngày sau phẫu thuật cắt khối u gan, mỗi ngày một thang, kéo dài một năm. Kết quả, thuốc giúp tăng thời gian sống so với nhóm không uống.
Những điều bệnh nhân cần tuân thủ
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền trong điều trị ung thư trên thế giới khoảng 22%; một số nơi có tỷ lệ rất cao là: Palestine 69%, Trung Quốc 58%, châu Phi 40%…
Riêng tại Trung Quốc, hằng năm có hàng trăm nghiên cứu về việc kết hợp thuốc đông y trong điều trị ung thư. Nghiên cứu năm 2015 trên 525 bệnh nhân, 165 bác sĩ lâm sàng, tại 35 bệnh viện khu vực miền Trung Trung Quốc, cho thấy có đến 90,74% bác sĩ lâm sàng và 72,34% bệnh nhân ung thư đã sử dụng thuốc y học cổ truyền trong quá trình điều trị ung thư, dưới dạng thuốc đã bào chế.
Các bác sĩ đông y đều nhấn mạnh rằng: “Đông y là liệu pháp kết hợp điều trị ung thư chứ không dùng đơn độc”. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ tây y, đồng thời kết hợp điều trị đông y dưới sự theo dõi của bác sĩ được đào tạo chuyên môn; không nên bỏ điều trị tây y để dùng một vị thuốc, bài thuốc theo truyền miệng dân gian và cũng không nên nhịn ăn để “bỏ đói” khối u.
Hiện nay, ung thư có khuynh hướng trẻ hóa, đặc biệt là ung thư ống tiêu hóa, ung thư vú, ung thư gan. Khoảng 1/3 số ca ung thư tử vong có liên quan đến năm yếu tố nguy cơ: thừa cân béo phì, ít dùng rau quả, ít rèn luyện thể lực, hút thuốc lá, và uống rượu. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, liên quan với khoảng 22% ca ung thư tử vong…
Do đó, để ngăn ngừa bệnh ung thư, mỗi người vẫn nên có một lối sống lành mạnh, khoa học, kiểm soát cân nặng, dùng đa dạng các nhóm thực phẩm có tăng cường rau quả; rèn luyện thể chất đều đặn; hạn chế uống rượu, thuốc lá; đồng thời tiêm vắc xin để phòng các bệnh viêm nhiễm do virus.