Nấm mốc đen - “kẻ thù” của người suy giảm miễn dịch
17:44 04/10/2022
Nấm mốc đen được coi là một trong những loại nấm nguy hiểm nhất đối với người có hệ miễn dịch suy giảm. Việc đối phó với nấm mốc đen vô cùng phức tạp, nhiều bệnh nhân phải hứng chịu những biến chứng nặng nề do không thể dùng thuốc điều trị bảo tồn như đối với những loại nấm khác.
Mất một bên mắt vì nhiễm nấm mốc đen
Gần đây, một số thông tin cho thấy nhiều người sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ nhiễm nấm mốc đen (Mucormycosis) cao hơn người bình thường. Thậm chí một số bệnh nhân mắc nấm mốc đen còn bị nhiễm trùng nặng, có các tổn thương do nấm xâm nhập từ các xoang mũi họng lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh… Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, loại nấm này không chỉ là nỗi ám ảnh của riêng bệnh nhân COVID-19 mà của tất cả những người có hệ miễn dịch suy giảm.
Qua đó, ngoài những người từng mắc COVID-19, nhóm bệnh nhân đái tháo đường, cấy ghép tạng, ung thư, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, người mới trải qua phẫu thuật, người có vết thương rộng trên da, người sử dụng thuốc kháng sinh hoặc corticoid kéo dài đều là đối tượng “yêu thích” của nấm mốc đen.
Trước đây, bác sĩ Vi Anh từng tiếp nhận một trường hợp nhiễm nấm mốc đen vô cùng nghiêm trọng. Bệnh nhân là P.T.H. (30 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận). Chị H. đang mang thai tuần thứ 29, nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng đau dữ dội nửa mặt bên trái. Trước đó, bệnh nhân từng đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được nguyên nhân và triệu chứng không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chị H. được chẩn đoán ban đầu là u hạt viêm đa mạch vùng mũi. Bệnh nhân đã trải qua ba cuộc phẫu thuật nạo vét mô viêm, sưng nề khối u hốc mũi trái.
Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm một loại nấm, bác sĩ chỉ định cho chị làm sinh thiết mô viêm, kết quả phát hiện bệnh nhân nhiễm nấm mốc đen. Nấm mốc còn xâm lấn sâu vào hốc mắt trái của bệnh nhân khiến tình trạng trở nên vô cùng nguy kịch. Nếu không can thiệp ngay, tính mạng của cả người mẹ lẫn đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm.
Bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa, quyết định chờ thai nhi tròn 30 tuần tuổi lập tức mổ lấy thai và nuôi em bé trong lồng kính. Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật nạo bỏ hết u mô hạt trong mũi cho chị H. Bác sĩ phải loại bỏ luôn mắt bên trái của bệnh nhân đã bị tổn thương nặng nề mới có thể xử lý triệt để loại nấm mốc này. Điều trị nấm mốc đen đòi hỏi một quá trình lâu dài. Tổng thời gian điều trị và theo dõi kéo dài gần sáu tháng.
Phòng tránh bằng cách bảo vệ đường hô hấp
Theo bác sĩ Vi Anh, ở những loại nấm khác, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc theo đường bôi, uống hoặc tiêm là đạt được hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, đối với nấm mốc đen, chỉ dùng thuốc thì chưa đủ bởi thuốc không thể ngấm sâu vào trong các mô bị viêm, nhân của khối u hạt. Bệnh nhân phải được can thiệp phẫu thuật, nạo vét các mô tổn thương mới xử lý triệt để loại nấm này. Điều đó cho thấy, dù có điều trị khỏi, bệnh nhân nhiễm nấm mốc đen vẫn phải hứng chịu những di chứng gây tổn hại sức khỏe, không thể lành lặn như trước đó.
Để xác định một trường hợp bị nhiễm nấm mốc đen, đầu tiên, bác sĩ sẽ dựa trên lâm sàng và yếu tố nguy cơ là những bệnh lý đi kèm của bệnh nhân. Tiếp đó, bệnh nhân được chỉ định làm sinh thiết, lấy mẫu mô xét nghiệm xem có hình ảnh của nấm mốc hay không.
Phương pháp điều trị nấm mốc đen gồm có phẫu thuật lấy đi những mô tổn thương, phối hợp với thuốc kháng nấm đặc hiệu trong thời gian dài. Thông thường, một ca điều trị nấm mốc đen kéo dài trung bình từ 3-6 tháng.
Nấm mốc đen tồn tại trong đất, trên bề mặt của vỏ cây, lơ lửng trong không khí. Có hai đường lây nhiễm: hít phải và quẹt/sờ tay có bào tử nấm lên mặt, mũi. Những người thuộc đối tượng nguy cơ nên tránh xa các nơi bụi bặm như công trường xây dựng, khu vực bão lũ. Khi làm vườn, nên đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, mang ủng cao và đeo găng tay cao su nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, rêu.
Vì sao nấm mốc đen dễ gây bệnh đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm?
Ở người bình thường, nhờ có hệ miễn dịch bảo vệ tốt, các bào tử nấm mốc đen được chặn ngay ở bên ngoài đường hô hấp trên. Ngược lại, hệ bạch cầu của người suy giảm miễn dịch khiếm khuyết, hàng rào bảo vệ cơ thể trước những yếu tố xâm nhập bị yếu. Khi người suy giảm miễn dịch hít phải các bào tử nấm mốc, các bào tử này dễ dàng đi sâu vào bên trong.
Tùy vị trí bị nhiễm nấm mốc đen mà bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Khi nấm xâm nhập vào hệ hô hấp, bệnh nhân bị đau đầu, sưng một bên mặt. Người bệnh có thể xuất hiện tổn thương, nhìn thấy màu đen trên sống mũi hoặc trong miệng. Nếu nấm mốc đen xâm nhập vào phổi, bệnh nhân sẽ sốt, ho, tức ngực, khó thở.
Bệnh nhân nhiễm nấm mốc đen đôi khi còn thấy tổn thương trên bề mặt da. Đó là những vết loét, đau, nóng đỏ, có màu đen. Phát hiện sớm những biểu hiện bệnh do nấm mốc đen gây ra để can thiệp điều trị kịp thời cũng làm giảm bớt di chứng tổn thương cho người bệnh sau này.
Nấm mốc đen được coi là “sát thủ” đối với người có hệ miễn dịch suy giảm. Bên cạnh đó, người suy giảm miễn dịch còn có nguy cơ nhiễm rất nhiều loại nấm khác, thường gặp nhất là nấm Candida. Candida là một loại nấm men, tồn tại trong bộ phận sinh dục, các nếp gấp của da, trong miệng (phát triển trong môi trường nóng ẩm). Khi hệ miễn dịch suy yếu, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng cơ hội khiến nấm Candida bùng phát.
Nữ giới nhiễm nấm Candida ở bộ phận sinh dục sẽ có các biểu hiện như: khí hư dạng bột, màu vàng, không hôi, ngứa đỏ thành âm đạo. Khi nấm Candida khởi phát ở những nếp gấp của da (nách, bẹn, dưới vú...), bệnh nhân sẽ xuất hiện các tổn thương gần giống bệnh vẩy nến. Nếu nhiễm nấm Candida vùng họng, miệng thì trong miệng và họng có những mảng trắng, dễ chảy máu.
Candida còn có thể thấy ở móng tay thông qua các biểu hiện như viêm đỏ xung quanh móng, móng chuyển từ trắng sang vàng hoặc trắng đục… Theo thống kê, 75% phụ nữ từng một lần trong đời bị viêm nhiễm âm đạo do nấm Candida.
Nấm Candida lây qua quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, dùng chung đồ lót, sử dụng chung khăn tắm với người bệnh. Khi nhiễm nấm Candida, cần đi khám chuyên khoa để được điều trị triệt để bởi nếu để lâu, bệnh sẽ lan rộng ra toàn thân.
Hiện nay, để điều trị nấm Candida, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thuốc kháng nấm dạng bôi tại chỗ, thuốc uống và thuốc đặt (nếu bị nhiễm nấm vùng âm đạo).
Để phòng tránh nhiễm nấm Candida, mọi người không nên mặc quần áo ẩm ướt, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sau khi đi vệ sinh phải lau khô vùng kín, tránh mặc quần áo quá chật, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài. Vì nấm Candida có thể lây qua quan hệ tình dục nên cần điều trị cả vợ lẫn chồng vì nếu không, nguy cơ tái phát sẽ rất cao. Hiện tại, nhiều chị em tự ý mua thuốc đặt âm đạo, bôi ngoài da khi có biểu hiện viêm ngứa. Điều này vô cùng nguy hại bởi chẳng những chưa chắc đã dùng thuốc đúng bệnh mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc, lờn thuốc.