Thursday, 21/11/2024

Hiểu đúng về vi khuẩn HP

09:42 06/05/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Việc chưa hiểu đúng về H.P (Helicobacter pylori) khiến nhiều người lo lắng quá mức; hoặc ngược lại rất chủ quan và không tuân thủ điều trị

Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, vi khuẩn HP sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng. Nhưng không phải trường hợp nào được phát hiện cũng cần điều trị.

Là loại vi khuẩn thường gặp

Anh S.H (35 tuổi; ở TP Thủ Đức, TP HCM) có sức khỏe bình thường, mới đây khám sức khỏe tổng quát, kết quả xét nghiệm cho thấy anh có vi khuẩn HP. "Tôi lo quá, nghe nói ai mang vi khuẩn này trong bụng sẽ bị ung thư dạ dày" - anh H. lo lắng.

PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng cho biết ngoài là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng, vi khuẩn HP còn là tác nhân gây ung thư dạ dày - loại ung thư nguy hiểm thường gặp ở nước ta. Việc chưa hiểu đúng về HP khiến nhiều người lo lắng quá mức cần thiết hoặc ngược lại, rất chủ quan, thờ ơ và không tuân thủ điều trị.

Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HP ở người lớn chiếm tới hơn 70%. Vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm trên mọi đối tượng thông qua đường ăn uống, trực tiếp qua nước bọt của người bệnh hoặc qua các thủ thuật tiêu hóa như nội soi tiêu hóa, nội soi mũi họng...

Tư vấn cho một trường hợp bị nhiễm vi khuẩn HP, đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Vi khuẩn HP sống trong dạ dày, tiết ra một số độc tố có thể phá hủy lớp bảo vệ niêm mạc của dạ dày, gây ra rất nhiều bệnh lý như viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy người nhiễm HP có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gấp 2 - 6 lần so với người không bị nhiễm. Vi khuẩn HP còn là tác nhân gây ra một dạng ung thư tế bào lym-phô ở niêm mạc dạ dày, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân hoặc mày đay mạn tính, viêm da cơ địa...

Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, trong trường hợp vi khuẩn HP gây các biểu hiện lên dạ dày, làm xuất hiện triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hoặc đau vùng thượng vị, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để kiểm tra xem có phải tác nhân do HP hay không.

Nếu kết quả dương tính thì nên tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đồng thời tầm soát những người trong gia đình hoặc người tiếp xúc gần với người nhiễm để phát hiện và điều trị sớm nhằm phòng ngừa lây nhiễm.

Phòng ngừa và chống tái nhiễm

Theo giới chuyên môn, dù HP có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nhưng không phải người nào bị nhiễm HP cũng sẽ diễn tiến xấu. Điều này phụ thuộc yếu tố di truyền, độc tính của chủng loại HP và chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh.

Nhiều trường hợp nhiễm HP ở dạng tiềm ẩn, ổn định, không gây ra triệu chứng nhưng người bệnh lại quá lo lắng dẫn đến tốn kém trong điều trị, gây nhiều tác dụng phụ không cần thiết.

TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết loại vi khuẩn này hoàn toàn có thể lây từ người nhiễm khuẩn sang người lành bằng nhiều đường lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc vi khuẩn như dùng chung chén, đũa... Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do bố mẹ hay người thân nhiễm vi khuẩn có thói quen hôn trẻ, mớm thức ăn cho trẻ... Người bị nhiễm HP điều trị xong vẫn có nguy cơ nhiễm lại.

Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường ăn uống; sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ cũng là một nguyên nhân gây nhiễm HP.

Một số nguyên nhân bên ngoài (stress, sử dụng rượu bia, thuốc lá...), một số bệnh lý do sự phát triển của xã hội (béo phì, đái tháo đường, bệnh lý về rối loạn mỡ máu...), thói quen ăn uống không điều độ (bỏ bữa, nhịn ăn, khi đói ăn quá nhiều, ăn khuya...).

Theo PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, phác đồ điều trị HP cho người bệnh bao gồm ít nhất 2 loại kháng sinh (vì HP rất dễ kháng thuốc) kết hợp với thuốc kháng tiết axít (vì kháng sinh dễ bị hủy trong môi trường axít dạ dày). Thời gian điều trị khoảng 14 ngày, sau đó có thể uống thêm thuốc kháng tiết axít để giúp làm lành các tổn thương ở dạ dày và giảm triệu chứng.

PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo để phòng ngừa bệnh do HP gây ra, người dân nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh ăn uống như ăn chín - uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung các vật dụng ăn uống. Cần chọn lựa các quán ăn, thực phẩm bảo đảm vệ sinh.

Khi phát hiện bị nhiễm HP phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị nhằm đạt kết quả chữa trị tốt nhất, đồng thời cần tầm soát định kỳ để tránh tái nhiễm sau khi đã điều trị thành công.

Vi khuẩn HP được phát hiện năm 1982 bởi Robin Warren và Barry Marshall (Úc) được viết tắt là H.Pylori hoặc HP. Đây là một loại khuẩn gram (-) kỵ khí tức là vi khuẩn sống trong môi trường thiếu ôxy. Có đến 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số này chỉ một số người bị nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng, chỉ rất ít trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke