Đưa thực phẩm an toàn vào trường học, bếp ăn tập thể
17:50 28/09/2022
Khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 35-60% nhu cầu của người dân. Do đó, Hà Nội rất cần kết nối các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng và các trường học, bếp ăn tập thể.
Tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn
Thời gian qua, từ thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện trên địa bàn Thành phố cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn của các đơn vị được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các sở, ban, ngành cũng như đơn vị liên quan đã tham gia giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Điển hình tại Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường học, nhà trường đã được đầu tư bếp ăn khang trang, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác bán trú... bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn của nhà trường.
Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc. Trong đó, khu vực bếp ăn phải bảo đảm một chiều, chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định…
Nhà trường cũng ký hợp đồng với Hợp tác xã Thành Công để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát... Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm, nhà trường luôn làm tốt công tác bán trú, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh chung, góp phần nâng cao sức khỏe và sự an toàn của học sinh...
Bà Phạm Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Nam cho biết, để kiểm soát tốt nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm đưa vào nhà trường, việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh trường THCS Thanh Xuân Nam hiện đang thực hiện theo phương thức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Đơn vị cung cấp suất ăn nhập lương thực, thực phẩm, chế biến thực phẩm và nấu ăn hằng ngày tại khu vực bếp một chiều của nhà trường.
Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được nhà trường kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định của đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn cho học sinh của nhà trường, chỉ ký hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, đầy đủ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...
Các loại thực phẩm cung ứng cho bữa ăn bán trú của học sinh, đều được nhập theo hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín, chấp hành tốt những quy định về an toàn thực phẩm; thực phẩm phải có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định, có thể truy xuất dễ dàng…
Tuy nhiên nói về những bất cập trong việc cung ứng thực phẩm vào bếp ăn tập thể, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược-Thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, hiện nay nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng "phi tiêu chuẩn".
Do đó, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn…
Cần quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi
Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn là mối liên kết sản xuất với nhau thông qua các cam kết, hợp đồng về trách nhiệm để cùng nhau tạo ra các sản phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm sản xuất trong nước lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu do thiếu liên kết chuỗi. Với việc áp dụng liên kết sản xuất, sẽ tạo được tiếng nói chung cho các công đoạn, từ đó bảo đảm việc giám sát an toàn thực phẩm thông qua trách nhiệm hợp đồng, phát triển nền sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước giảm thiểu nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên từ người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh tới cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, người tiêu dùng sẽ tiếp cận được các sản phẩm an toàn, phân biệt được sản phẩm đã được kiểm soát an toàn; người sản xuất kinh doanh sẽ tăng sản lượng và giá trị sản xuất kinh doanh nhờ niềm tin và sự trung thành của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn thực phẩm; cơ quan Nhà nước sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất; truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Theo ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm Chăn nuôi, đối với chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp và trường học quan tâm đến 4 vấn đề gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí cạnh tranh, chất lượng và tính sẵn sàng (cung ứng thường xuyên, đều đặn)...
"Tùy vào sự ưu tiên của từng doanh nghiệp, trường học đối với chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, song yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ưu tiên trên hết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trường học không nên chỉ tin tưởng vào đơn vị cung cấp mà cần có phương án xử lý nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn dựa theo chuỗi này", ông Cường cho biết.