Ăn ít nhất 5 quả táo một tuần giúp làm chậm quá trình lão hóa của phổi, giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi mạn tính và ung thư phổi.
Đây là kết quả nghiên cứu của Trường Y Bệnh viện St George (Anh). Nghiên cứu thực hiện trên 2.500 nam giới ở độ tuổi trung niên trong 5 năm theo dõi. Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy hấp thụ nhiều vitamin C, E, beta-carotene giúp phổi hoạt động tốt hơn. Táo hội tụ đủ các chất dinh dưỡng này vad có tác động rõ rệt nhất đến chức năng phổi hơn bất cứ loại trái cây nào.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra ăn 5 quả táo trở lên mỗi tuần hoặc 2 quả mỗi ngày giúp chức năng phổi cải thiện tốt hơn. Người ăn táo có dung tích phổi cao hơn 138 ml so với người không ăn. Táo cũng giúp giảm nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thậm chí cả ung thư phổi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết táo là một trong những loại trái cây bác sĩ thường khuyên người bệnh bổ sung vào chế độ ăn, bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc và lịch tái khám. Vitamin C, E dồi dào trong táo được chứng minh có hiệu quả cải thiện triệu chứng ở người mắc bệnh hô hấp, làm chậm quá trình suy giảm chức năng phổi.
Ngoài ra táo còn chứa lượng lớn flavonoid - một chất chống oxy hóa quan trọng giúp kháng viêm, bảo vệ phổi khỏi ô nhiễm không khí, khói thuốc lá. Khi tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh như chất độc hại trong không khí, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng viêm, giải phóng gốc tự do gây tổn thương cho mô phổi. Flavonoid giúp quét sạch gốc tự do này trước khi chúng kịp gây hại.
Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu cho thấy chế độ ăn nhiều táo và cà chua giúp sửa chữa tổn thương trên phổi, làm chậm quá trình lão hóa của phổi. Những lợi ích khác của táo được biết đến từ lâu là giảm cholesterol, giảm nguy cơ hen phế quản và tiểu đường type 2. Nguồn chất xơ trong táo cũng tốt cho đường ruột. Người ăn táo thường xuyên có tỷ lệ mắc u phổi thấp hơn 25%, khả năng mắc khối u ở ruột, miệng, đường tiêu hóa hoặc vú thấp hơn so với người không hoặc ít ăn loại quả này.
"Táo có tác dụng tốt nhất với phổi khi ăn trực tiếp thay vì ép nước", bác sĩ Hưng nhấn mạnh. Nguyên nhân là hầu hết chất dinh dưỡng sẽ mất đi trong quá trình ép táo, chỉ còn lại lượng calo "rỗng" (nhiều calo nhưng ít giá trị dinh dưỡng).
Bác sĩ Hưng khuyên, mặc dù táo rất tốt cho sức khỏe phổi, nhưng không nên chỉ ăn táo mà bỏ qua trái cây khác. Các loại quả có màu đậm như việt quất, dâu tây, mâm xôi rất giàu anthocyanin, một chất chống oxy hóa thuộc họ flavonoid giúp giảm chất nhầy và viêm trong phổi. Mỗi người có thể phối hợp 3-4 loại trái cây trong ngày để đa dạng dinh dưỡng và bổ trợ công dụng cho nhau tốt hơn.
Mặc dù chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, góp phần ngừa một số bệnh nhưng không thay thế được các phương pháp chăm sóc thiết yếu khác. Đó là xây dựng môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc; tập thể dục thường xuyên; tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang, vệ sinh tay khi đi ra ngoài; phòng bệnh chủ động như bằng cách vaccine cúm, ho gà, phế cầu phổi... Người có bệnh về phổi như viêm phổi, lao phổi, hen suyễn, COPD cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ dùng thuốc và lịch tái khám của bác sĩ để kiểm soát bệnh ổn định.