Ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hoặc rất mơ hồ như đau tức vùng chậu, đầy hơi, bụng to, tiểu rắt.
Ngày 12/11, bé gái 12 tuổi, ở Quảng Ninh đi khám do bụng to bất thường, đau tức bụng, kết quả phát hiện có khối u buồng trứng dài 19 cm, rộng 9 cm. Trước đó, một bé gái ở TP HCM chào đời với khối u buồng trứng nghi xoắn. Các bác sĩ mổ bóc tách khối u, không làm ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng của bé. Hầu hết u nang buồng trứng là khối u lành tính (ít gây ung thư), tuy nhiên bệnh vẫn có nguy cơ phát triển thành ác tính (khoảng 10%) và ngày càng trẻ hóa.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư khá phổ biến ở nữ giới, sau ung thư vú, cổ tử cung. Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết, khi phát hiện, bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ, ung thư buồng trứng chỉ chiếm 3% trong tổng số các bệnh lý ung thư. Bệnh thường gặp ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại gặp nhiều ở những nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, thế giới có khoảng 314.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, hơn 207.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.400 ca mắc mới. Trong đó ung thư biểu mô buồng trứng là dạng u ác tính thường gặp nhất.
Hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tiền sử gia đình có mẹ, chị, em gái ruột mắc ung thư buồng trứng, vú, đại tràng... Người có tiền sử mắc ung thư vú, đại, tràng cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Nguy cơ mắc bệnh tăng cao theo tuổi, thường trên 50, song tỷ lệ người trẻ mắc bệnh có xu hướng tăng. Phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít; kinh nguyệt không đều, dùng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh. Người uống rượu tăng nguy cơ mắc bệnh trên 50%, béo phì tăng khoảng 30%.
Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hoặc có rất mơ hồ khó xác định, như cảm giác khó chịu vùng bụng chậu, đầy hơi, ăn không tiêu, bụng to, tiểu rắt..., thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang, ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ.
Nhiều trường hợp tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục... cũng có nguy cơ. Đặc biệt, những dấu hiệu như sút cân, rối loạn tiêu hóa, bụng căng tức, bí đại tiểu tiện thường xuất hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm, trước khi di căn ra các bộ phận khác vẫn có cơ hội sống cao. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống trên 5 năm đối với ung thư buồng trứng giai đoạn đầu là khoảng 93-98%. Do đó, khi cơ thể có bất thường, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kết hợp thực hiện thêm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng để có kết luận chính xác và phương pháp điều trị kịp thời.
Tùy vào giai đoạn của ung thư, sức khỏe bệnh nhân, mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị và mong muốn của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phác đồ phù hợp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, bảo tồn khả năng sinh sản.