Đau đỉnh đầu đột ngột, kéo dài, kèm sốt, co giật, mất ý thức hoặc tái phát nhiều lần… là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Đau đỉnh đầu là cơn đau đầu âm ỉ hoặc đột ngột ở trên đỉnh đầu. Hầu hết mọi người đều gặp phải cơn đau đầu dạng này một hoặc nhiều lần với nhiều mức độ và lý do khác nhau. Đau đỉnh đầu có thể xảy ra trong vài phút nhưng cũng có khi kéo dài dai dẳng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Nếu không tìm cách điều trị, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính (Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, khi bị đau đỉnh đầu, người bệnh có cảm giác giống như đang có một vật nặng đè chặt phía trên đỉnh đầu gây đau nhói. Ở một số người, cơn đau còn kéo theo các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, đau hàm, đau cổ, nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng... Trong các trường hợp hiếm hơn lên quan tới bệnh lý nguy hiểm, người bệnh không chỉ đau vùng đỉnh đầu mà còn có thể chảy máu cam, khó thở hoặc rối loạn lo âu.
Có nhiều nguyên nhân gây đau đỉnh đầu, trong đó, thường gặp nhất có thể kể đến như căng thẳng, mắc bệnh đau nửa đầu, viêm xoang, mất ngủ, đau dây thần kinh chẩm, tăng huyết áp, lạm dụng thuốc, thiếu máu não...
Bác sĩ Bảo Đính cho biết thêm, không phải lúc nào đau đỉnh đầu cũng là dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị đau nhức đỉnh đầu kèm sốt hoặc cứng cổ, co giật, nhầm lẫn, mất ý thức; đau đầu dữ dội, đột ngột; đau đầu kèm theo đau ở tai hoặc mắt; có cảm giác như có "tiếng gõ" trong đầu; đau đầu kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, nhất là ở trẻ em...
Đau đỉnh đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đáng lo ngại. Nếu người bệnh bị đau đầu thường xuyên, cường độ không thuyên giảm mặc dù đã dùng thuốc giảm đau... thì cần đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và xử lý phù hợp.
Việc điều trị đau đỉnh đầu có liên quan tới chữa trị, kiểm soát những nguyên nhân và yếu tố gây bệnh. Các phương pháp điều trị thông thường bao gồm dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, thuốc giãn cơ và triptans. Mặc dù mang tới hiệu quả tốt nhưng các thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ hoặc gây tương tác với những thuốc thông dụng khác. Người bệnh cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu cần dùng thuốc nhiều hơn 3 ngày trong tuần.
Thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng trong trường hợp nhức đỉnh đầu liên quan tới đau dây thần kinh chẩm. Người bệnh đau đầu do tăng huyết áp có thể cần dùng đến thuốc hạ huyết áp hoặc các hướng điều trị cấp cứu để giảm nguy cơ chảy máu não, đột quỵ hoặc các tình trạng nguy hiểm khác.
Theo bác sĩ Đính, các cơn đau đỉnh đầu có nhiều trường hợp bắt nguồn từ tư thế sinh hoạt chưa đúng và vấn đề vị trí đốt sống cổ. Hai đốt sống cổ trên cùng và xương chẩm, xương đáy sọ có liên quan mật thiết tới các cơn đau đầu. Do đó, nếu biết cách điều chỉnh thần kinh cột sống là một trong các cách tốt nhất để trị chứng đau đầu, nhất là những cơn đau hay tái phát. Việc điều chỉnh cột sống cổ trên thẳng hàng, giữ cho vùng cổ và đầu xương, dây thần kinh và cơ ở đúng vị trí có thể loại bỏ nguyên nhân chính gây đau đầu.
Những hướng điều trị khác bao gồm massage, tắm nước ấm, chườm mát đầu, châm cứu hoặc thay đổi tư thế nằm và làm việc... Để phòng bệnh, mọi người cần ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích, caffeine, tăng cường vận động và dinh dưỡng đầy đủ.