Làn sóng Covid-19 mới không chỉ bùng phát mạnh tại Ấn Độ mà còn đang càn quét nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, từ đó gây sức ép lên hệ thống y tế không ít quốc gia.
Một số nước ở Đông Nam Á, như Lào, Thái Lan, Campuchia... và những nước có chung đường biên giới với Ấn Độ, như Bhutan, Nepal, đều ghi nhận sự gia tăng mạnh của các ca Covid-19 mới trong vài tuần gần đây. Theo số liệu được công bố hôm 4-5, Ấn Độ có thêm 357.229 ca mới trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số ca lên hơn 20 triệu.
Thủ tướng Narendra Modi hiện đối mặt sức ép ngày một tăng về việc ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm. Trong khi đó, Nepal đang chứng kiến tình trạng khan hiếm bình ôxy sau khi số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện gia tăng. Trong bối cảnh như thế, theo Reuters, nước này cho biết đang cần khẩn cấp ít nhất 1,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) để tiến hành mũi tiêm thứ 2.
Tình hình Covid-19 tại Campuchia cũng đáng lo khi Bộ Y tế nước này hôm 4-5 công bố số ca Covid-19 mới trong ngày đạt mức cao kỷ lục là 938. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 27 trường hợp tử vong và 1.763 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đáng chú ý, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương đang đối mặt làn sóng Covid-19 đầu tiên sau khi gần như không chịu tác động của đại dịch nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Riêng nhà chức trách Fiji vào cuối tháng rồi buộc phải ra lệnh phong tỏa một số thành phố sau khi xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Những biến chủng mới dễ lây hơn, cùng với tâm lý tự mãn và tình trạng thiếu nguồn lực để đối phó dịch bệnh được cho là các nguyên nhân dẫn đến diễn biến nói trên, qua đó nêu bật nguy cơ tiềm tàng của tình trạng lây nhiễm mất kiểm soát và tính cấp thiết của việc cung ứng vắc-xin cho các nước nghèo.
Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần đây cảnh báo rằng tình hình tại Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào và đây là thách thức không nhỏ. "Ấn Độ là một cảnh báo sốc với thế giới về việc đại dịch này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh tới mức nào" - ông Jonathan Pryke, chuyên gia tại Viện Lowy (Úc), nhận định với trang Bloomberg.
Ông Ali Mokdad, chuyên gia tại Trường ĐH Washington (Mỹ), cũng đánh giá tình hình hiện nay là "rất nghiêm trọng" khi cho biết: "Các biến thể mới đòi hỏi phải có vắc-xin hoặc cần thêm liều tiêm đối với những người đã được tiêm chủng. Điều này khiến tiến trình kiểm soát đại dịch bị kéo dài thêm". Cũng theo ông Mokdad, những khó khăn về kinh tế khiến cuộc chiến chống Covid-19 càng thêm khó khăn tại các nước nghèo.
Đề cập sự gia tăng gần đây của số ca nhiễm tại khu vực Thái Bình Dương, ông Pryke nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống Covid-19 không thể dựa vào nỗ lực kiểm soát biên giới mà còn cần phải đưa vắc-xin đến những nước này.
Một số chuyên gia cho rằng các nước phát triển có nghĩa vụ đóng góp vào sự phân phối vắc-xin công bằng hơn trên thế giới, đồng thời kêu gọi một phản ứng phối hợp toàn cầu nhằm khống chế dịch bệnh. Theo nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo của Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins (Mỹ), việc thế giới có trở lại bình thường như trước đại dịch hay không thật sự phụ thuộc vào việc giúp đỡ các nước khống chế tốt dịch bệnh.
WHO "soi" 10 biến thể Covid-19
WHO đang theo dõi sát sao 10 biến thể Covid-19 trên thế giới, trong đó có 2 biến thể được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và một biến thể đang tàn phá Ấn Độ. Các chủng Covid-19 mới xuất hiện mỗi ngày khi virus tiếp tục đột biến nhưng chỉ một số ít bị đưa vào danh sách "biến thể đáng quan tâm" hoặc "biến thể đáng lo ngại" của WHO.
"Biến thể đáng lo ngại" là chủng đột biến dễ lây lan, làm chết người, kháng các loại vắc-xin và phương pháp điều trị hiện tại. Theo đài CNBC, WHO hiện xếp 3 chủng vào danh sách biến thể loại này, gồm B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu ở Anh), B.1.351 (Nam Phi) và biến thể P.1 (Brazil). Trong danh sách "biến thể đáng quan tâm" có B.1617, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và hiện đã lây sang ít nhất 17 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Singapore... Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về dịch Covid-19, cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về biến thể này.
Song song đó, WHO hôm 3-5 kêu gọi nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ cho sự phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ không chấm dứt nếu G7 không tăng cường hành động. Theo WHO, G7 có khả năng tài trợ cho vắc-xin, xét nghiệm và điều trị cần thiết để đánh bại dịch bệnh. Theo thống kê, gần 1,2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm trên thế giới cho đến giờ. Trong số này, chỉ 0,2% liều được tiêm tại 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.