Tập thể dục mang tới nhiều lợi ích cho xương khớp nhưng một số bài tập có thể khiến xương yếu đi hoặc dễ gãy ở người bệnh loãng xương.
Loãng xương là tình trạng suy giảm các khoáng chất và chất lượng xương, từ đó dẫn tới tình trạng mất xương. Tốc độ mất xương càng nhanh, xương càng dễ bị tổn thương, gây ra tình trạng gãy xương, đau nhức xương khi có tuổi...
Bên cạnh đó, việc tập thể dục không đúng cách hay thực hiện các bài tập không phù hợp cũng khiến tình trạng gãy xương ở người loãng xương có nguy cao hơn. Dưới đây là một số bài tập không tốt cho bệnh loãng xương:
Uốn, vặn mình
Uốn, vặn mình quá mức đều không tốt cho người mắc bệnh loãng xương, điển hình là khi chơi golf. Các động tác xoay người, vặn người khi chơi golf có thể khiến cột sống đột ngột bị xoắn, gây ra lực đột ngột, tác động lên các khớp và đĩa đệm, từ đó gây ra gãy xương.
Mức an toàn khi xoay cột sống, vặn mình là khoảng 3 độ, vì vậy những động tác hoặc môn thể thao nào đòi hỏi vượt quá mức này dễ gây tổn thương cột sống và dẫn tới gãy xương. Ngoài golf, tennis cũng là một môn thể thao có tác động tương tự tới người bệnh loãng xương, do đó cần cân nhắc kỹ trước khi chơi môn thể thao này.
Gập bụng
Người bệnh loãng xương thường xuất hiện vết nứt ở những xương nhỏ. Động tác gập bụng có thể khiến cột sống phải uốn cong về phía trước, gia tăng thêm áp lực lên khung xương, vô tình khiến các vết nứt lan rộng hơn và gây thương tích trầm trọng.
Nhảy lên cao
Các bài tập nhảy lên cao như nhảy chồm lên, nhảy thẳng đứng và nhảy nhào lộn... bắt buộc đôi chân phải làm trụ vững khi cơ thể tiếp đất. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương và gãy xương.
Hơn nữa, thực hành các động tác nhảy lên cao có thể khiến cột sống bị uốn cong và gây áp lực lên các xương, cơ xung quanh. Giải pháp thích hợp là nên thay bằng các bài tập squat, có tác động lên nhiều khớp một lúc, giảm tải trọng lên một khớp cố định, từ đó giúp phòng ngừa nguy cơ gãy xương.
Cuộn thắt lưng
Đây là một động tác phổ biến trong yoga, khi đó, người tập nằm ngửa trên thảm, dùng hai tay ôm đầu gối và đưa sát vào ngực. Động tác này không chỉ uốn cong cột sống về phía trước mà còn thêm tải trọng, thậm chí còn khiến cột sống, đặc biệt thắt lưng căng hơn, làm tăng nguy cơ gãy xương. Vì vậy, tốt nhất khi bị loãng xương nên tránh tập các động tác tương tự.
Các bài tập có nguy cơ té, ngã cao
Ngã là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các trường hợp gãy xương, trong đó, một số môn thể thao, bài tập có nguy cơ cao hơn như: trượt băng, trượt patin, trượt tuyết... Bên cạnh đó, bất kỳ động tác thể dục nào khiến cơ thể phải giữ thăng bằng lâu hơn hoặc tập ở nơi không bằng phẳng, có chướng ngại vật cũng dễ dẫn đến té ngã.
Chạy bộ tốc độ cao
Các bài tập aerobic giúp làm chậm quá trình mất xương ở chân, hông và phần dưới cột sống. Nhưng nếu xương của bạn yếu đi do loãng xương thì một hoạt động có tác động mạnh như chạy bộ cũng có thể dẫn đến chấn thương hoặc gãy xương. Thay vào đó, đi bộ vừa phải có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.