Mặc dù các chấn thương như bong gân, rách sụn hoặc trật khớp gây ra đau nhức xương khớp nhưng chế độ ăn uống cũng có thể là nguyên nhân.
Yếu tố này có sự liên quan mật thiết đến các dạng viêm khớp do rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, do dung nạp thực phẩm có khả năng kích hoạt hệ thống viêm nhiễm.
Dưới đây là một số thói quen ăn uống nên cân nhắc hạn chế để giảm bớt cơn đau khi đang mắc bệnh về khớp:
Ăn quá nhiều gluten
Gluten là một loại protein tự nhiên được tìm thấy trong một số loại ngũ cốc bao gồm lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, hoạt động giống như một chất kết dính. Dung nạp quá nhiều gluten có liên quan đến chứng đau khớp.
Nhiều bệnh mạn tính như viêm khớp gây ra bởi thực phẩm và chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ. Trong đó thực phẩm gây viêm như những thực phẩm chứa nhiều gluten thường khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
Những người mắc bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến có thể kiểm soát cơn đau khớp và cứng khớp tốt hơn nếu tránh các thực phẩm gây viêm nhiễm như các sản phẩm chứa gluten.
Cùng với đó, bổ sung các thực phẩm chống viêm như thực phẩm giàu axit béo omega-3 có thể cải thiện tình trạng đau khớp và giúp giảm các đợt bùng phát.
Không bổ sung đủ men vi sinh
Probiotics được định nghĩa là các chủng vi khuẩn sống (men vi sinh), khi được bổ sung đủ lượng sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe. Viêm mạn tính mức độ thấp thường do thực phẩm gây viêm, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.
Các tế bào thần kinh trong ruột giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì tâm trạng của bạn. Những tế bào thần kinh này tạo ra serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến duy trì tâm trạng tốt. Vì vậy, giữ cho niêm mạc ruột khỏe mạnh thông qua bổ sung thực phẩm lên men và men vi sinh, có thể là một cách hữu ích để ngăn ngừa sự bùng phát của các bệnh mạn tính liên quan đến khớp.
Ăn quá nhiều đường
Là tác nhân gây viêm mạn tính trong cơ thể, đường có trong nhiều loại đồ ăn như bánh quy, nước ngọt, kẹo ngọt... Tuy nhiên, triệu chứng viêm có thể được giảm bớt bằng cách giảm lượng đường bổ sung khỏi chế độ ăn của mình.
Nhiều xét nghiệm cho thấy, chỉ số xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) trong máu (dùng để đánh giá tình trạng viêm) có xu hướng giảm khi hạn chế tiêu thụ đường, đồng nghĩa với việc vận động các khớp sẽ trở nên thoải mái hơn và ít đau hơn.
Do đó, nếu đang mắc chứng đau viêm khớp hãy loại bỏ đồ uống ngọt có ga, giảm lượng đường bổ sung để giảm bớt cơn đau, đồng thời cũng là giảm nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường và các bệnh nghiêm trọng khác.
Không bổ sung đủ axit béo omega-3
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo omega-3 làm giảm phản ứng viêm theo nhiều cách khác nhau. Nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng axit béo omega 3 làm giảm lượng axit Arachidonic, một loại axit béo gây viêm, liên kết với màng tế bào và làm giảm việc sản xuất các cytokine gây viêm trong cơ thể, do đó làm giảm tình trạng viêm liên quan đến chứng đau khớp.
Thiếu chất xơ
Chất xơ có nhiều lợi ích với sức khoẻ và chất dinh dưỡng này cũng có khả năng hạn chế cơn đau khớp của bạn. Bạn có thể bổ sung chất xơ với nhiều loại thực phẩm khác nhau mà không nhất thiết phải sử dụng bánh mì nguyên cám chưa qua chế biến cho mỗi bữa ăn hàng ngày như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt...
Cẩn trọng trong chế độ ăn uống cũng là cách giúp cơn đau khớp của bạn thuyên giảm đáng kể. Chế độ ăn kiêng chuyên biệt hoặc tiêu thụ thực phẩm chế biến nhiều lần thay vì thực phẩm nguyên chất trong một khoảng thời gian dài có thể khiến cơn đau khớp trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy ăn nhiều trái cây, rau, thịt nạc và ngũ cốc để cung cấp sự cân bằng và mang tới lợi ích cho sức khỏe tổng thể.