Hãy tập các thói quen chuyển động tròn để hạn chế sự căng cứng cơ do ngồi làm việc quá nhiều. Những bài tập đơn giản này sẽ giúp giải quyết từng bộ phận trên cơ thể, giảm căng thẳng và cảm thấy thoải mái.
1. Vòng tròn tay
Làm việc với máy tính nhiều khiến bạn luôn trong tình trạng vai căng cứng. Vòng tròn cánh tay sẽ giúp giải quyết tình trạng cứng vai, lưu thông máu tốt hơn. Với chuyển động này, bạn đang kéo căng lưng và vai trong khi thực hiện bài tập cánh tay nhanh chóng.
Bắt đầu bằng cách đứng thẳng, hai tay duỗi ra hai bên. Di chuyển cánh tay theo chuyển động tròn nhỏ, dần dần chuyển sang các chuyển động lớn hơn. Tiếp tục tạo vòng tròn lớn hơn, đảm bảo bạn cảm thấy căng ở vai, cánh tay và lưng. Sau 10 giây, hãy đảo ngược chuyển động, tạo ra các vòng tròn rộng lớn hơn.
2. Vòng tròn cổ tay
Việc đánh máy cả ngày có thể khiến cổ tay, bàn tay bị tê cứng. Thực hiện vòng tròn cổ tay sẽ giúp cổ tay của bạn linh hoạt hơn. Thực hiện động tác này trước các bài rèn luyện sức bền như: chống đẩy, cử tạ... cũng tránh được chấn thương.
Để thực hiện, gập khuỷu tay để đưa cổ tay ra trước mặt. Bắt đầu xoay cổ tay theo một hướng nhất định trong khoảng 10 giây trước khi xoay theo chiều ngược lại. Có thể di chuyển cả 2 cổ tay cùng một lúc hoặc tập trung vào từng cổ tay nếu muốn.
3. Vòng tròn hông
Vòng tròn hông (lắc hông) sẽ giúp cơ thể chuyển động trong khi kéo căng lưng và hông. Đây là động tác hoàn hảo để chống lại sự căng cứng toàn thân.
Bắt đầu bằng tư thế đứng giang rộng hai chân ngang bằng vai, hai tay chống hông. Xoay hông theo những vòng tròn nhỏ. Lấy đà và chuyển động bằng những vòng tròn lớn hơn, đầy đặn hơn bằng mông. Bạn sẽ cảm thấy lưng và hông của mình được thả lỏng. Vòng tròn hông giúp cải thiện tính linh hoạt, máu lưu thông tốt hơn, giảm căng thẳng. Thực hiện 10 vòng tròn hông theo một hướng, sau đó thực hiện tương tự với hướng ngược lại.
4. Vòng tròn mắt cá chân
Việc ngồi một chỗ lâu có thể dẫn tới tình trạng mắt cá chân, bàn chân thiếu sự lưu thông, có thể khiến chúng sưng tấy. Suốt quá trình ngồi, bạn không tạo áp lực lên mắt cá chân và bàn chân, lâu ngày có thể làm giảm sự linh hoạt, mạnh mẽ của nửa thân dưới. Vòng tròn mắt cá chân giúp duy trì phạm vi chuyển động và có thể thực hiện ở hầu hết mọi vị trí.
Để thực hiện động tác này, hãy ngồi yên. Gập một đầu gối và bắt chéo chân kia để chân gần với phần trên của cơ thể hơn. Bắt đầu xoay mắt cá chân theo một hướng, sau đó chuyển sang hướng khác.
Thực hiện chậm và thả lỏng mỗi mắt cá chân. Xoay 10 vòng cho mỗi hướng ở mỗi mắt cá chân.
5. Vòng tròn chân
Động tác cuối cùng cần thực hiện chính là vòng tròn chân. Nếu ngồi làm việc cả ngày, chân ở trạng thái thả lỏng, đầu gối bị cong hoặc bắt chéo chân theo thói quen. Để tránh chuột rút hoặc máu lưu thông kém, lý tưởng nhất là 2 chân đều đặt trên mặt đất, ngay trước mặt. Vì vậy, hãy luôn lưu ý vị trí ngồi.
Dù bằng cách nào, nếu không duỗi thẳng chân hay cử động chân, chân có thể trở nên cứng, mất tầm cử động. Vòng tròn ở chân giúp máu lưu thông, chân và hông chuyển động. Động tác này có thể thực hiện khi nằm xuống hoặc đứng lên.
Nếu đứng, hãy bắt đầu bằng tư thế 2 chân rộng bằng vai, 2 tay chống hông. Chọn chân muốn di chuyển đầu tiên, nhấc chân lên khỏi mặt đất và quay vòng.
Bắt đầu từ từ, từ những vòng tròn nhỏ cho đến các vòng tròn lớn hơn. Nâng chân cao hơn khi vòng tròn trở nên lớn hơn. Khi đó, bạn cũng đang kéo giãn các gân khoeo và cơ mông của mình.
Thực hiện 10 vòng tròn chân theo một hướng, sau đó xoay chân theo hướng khác. Tiếp tục thực hiện động tác tương tự bên chân còn lại.
Theo Sức khỏe đời sống