Giá trị dinh dưỡng của món xôi
Xôi là món ăn được chế biến từ nguyên liệu chính là gạo nếp nên nhìn chung mang nhiều thành phần dinh dưỡng.
Cụ thể:
- Tinh bột: Xôi chứa nhiều tinh bột nên sẽ tạo ra cảm giác no lâu, chắc bụng và cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ. Khi ăn xôi vào buổi sáng trẻ sẽ đủ năng lượng để chơi và học suốt buổi.
- Chất đạm: Trong 100 gam gạo nếp chứa 2 gam chất đạm. Hàm lượng đạm trong xôi giúp hỗ trợ điều tiết hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Chất xơ: Trong xôi cũng chứa một lượng chất xơ không hòa tan, ước tính 100 gam gạo nếp có 1 gam chất xơ. Chất xơ hỗ trợ giúp trẻ no lâu, góp phần bổ sung năng lượng cho trẻ thỏa sức vận động tích cực.
Ăn nhiều xôi ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tuy xôi đem lại nhiều dưỡng chất nhưng chỉ nên ăn ở mức vừa đủ bởi việc ăn nhiều xôi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không tốt cho sức khỏe của trẻ.
- Tăng lượng đường trong máu: Amilopectin là một carbohydrate không hòa tan và có rất nhiều trong xôi. Chất này khiến lượng đường trong máu tăng lên. Ăn nhiều sẽ không tốt.
- Rối loạn tiêu hóa: Hiện tượng dễ thấy nhất ở trẻ khi ăn nhiều xôi là táo bón, chướng bụng, khó tiêu, ợ chua… Tinh bột là "thủ phạm" gây nên tình trạng này. Nếu kéo dài sẽ khiến tiêu hóa của trẻ bị rối loạn.
- Nguy cơ béo phì: Vì chứa nhiều tinh bột và đường nên xôi sẽ làm tăng nguy cơ bị béo phì, nhất là với những trẻ đã thừa cân trước đó.
Trung bình một gói xôi có thể cung cấp khoảng 600 calo, trong khi 1 chén cơm chỉ có 130 calo, một bát phở chứa khoảng 400 calo.
- Dễ gây dị ứng: Nếu cơ địa của trẻ dễ dị ứng thì khi ăn nhiều xôi sẽ làm tình trạng này nặng hơn.
Ăn xôi như thế nào cho hợp lý?
Chỉ nên cho trẻ ăn xôi 2 lần/ tuần: Dù trẻ có yêu thích đến mấy cũng hãy chỉ cho trẻ ăn xôi nhiều nhất 2 lần/ tuần. Mỗi lần chỉ ăn với lượng xôi vừa đủ, không quá no vì sẽ gây nên tình trạng chướng bụng rất khó chịu.
Kết hợp xôi với những thực phẩm khác để đảm bảo đủ dinh dưỡng: Tuy nhiều dưỡng chất nhưng chỉ ăn xôi sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Vậy nên hãy cho trẻ ăn xôi kèm với các loại thịt, xúc xích, trứng…
Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kỹ: Vì xôi khó tiêu nên hãy tập cho trẻ thói quen ăn chậm, nhai kỹ trước khi nuốt. Điều này giúp thực phẩm dễ tiêu hóa hơn và cũng tránh được tình trạng nghẹn.
Bữa ăn sáng lành mạnh là một bữa ăn giàu cacbon hydrate phức hợp (đường đa) có trong các loại ngũ cốc gạo, mì, ngô, khoai củ…, cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất. Có nghĩa là vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/xoi-co-phai-la-mon-an-tot-cho-suc-khoe-cua-tre-20220826202029306.htm