Thực hư thông tin chỉ cần xét nghiệm máu có thể phát hiện ung thư vú
17:32 25/08/2022
Nhiều người dân đọc được các thông tin giới thiệu về các gói tầm soát ung thư, trong đó có thông tin chỉ cần xét nghiệm máu nên rất quan tâm vì chi phí không quá cao mà lại nhanh chóng, tiện lợi.
Chị Đỗ Thanh Thảo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết mình muốn đăng kí mua 1 gói tầm soát ung thư nhưng chưa biết chọn chỗ nào vì lên mạng thấy nhiều nơi quá mà giá thì cũng chênh nhiều, không biết nơi nào có hiệu quả uy tín.
Không chỉ chị Thảo mà rất nhiều người cũng có nhu cầu được tầm soát ung thư sớm mà không phải đến các bệnh viện đông người, chờ đợi lâu. Do đó những thông tin quảng cáo trên Facebook về các gói tầm soát ung thư có giá vài triệu đồng được nhiều người quan tâm, trong đó có một số hội nhóm riêng tư có vài nghìn thành viên theo dõi như nhóm có tên là "Lấy máu xét nghiệm – tầm soát ung thư tại nhà".
Trên trang cá nhân của mình, một BS chuyên khoa ung thư đăng tải hình ảnh một gói quảng cáo xét nghiệm ung thư trọn gói và chán nản thốt lên: "Đây là các phương pháp tầm soát ung thư từ A đến Z hả mọi người??? Không biết trước khi đưa ra gói tầm soát này, họ có được tư vấn bởi một bác sĩ ung thư không nữa".
Nhiều chị em quan tâm, thắc mắc về việc phát hiện ung thư vú chỉ qua xét nghiệm máu, giái đáp băn khoăn này, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương cho biết: Những thông tin chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú là không chính xác.
Để chẩn đoán một người có mắc ung thư vú hay không, cần thực hiện các bước cơ bản: khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tuyến vú, chụp Xquang tuyến vú và sinh thiết nếu cần. Xét nghiệm máu chỉ là một trong rất nhiều chỉ định cần thiết để đưa ra kết luận bạn có bị mắc ung thư vú hay không. Vì vậy, hãy lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám, giúp bạn có kết quả chẩn đoán chính xác.
2. Sàng lọc ung thư phải làm những gì?
Theo ThS. BS Trịnh Thế Cường, khoa Hóa trị liệu, BV E Trung ương: Sàng lọc (tầm soát) ung thư là phát hiện dạng tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm ở người không có triệu chứng nhằm phát hiện và điều trị sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
- Sàng lọc ung thư khác với chẩn đoán sớm: Chẩn đoán sớm là chẩn đoán ung thư ở người có triệu chứng ung thư ở giai đoạn sớm. Ví dụ: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo người trên 50 tuổi không có triệu chứng của ung thư đại trực tràng, sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng nội soi đại trực tràng mỗi 10 năm. Tuy nhiên, nếu người đó có triệu chứng của ung thư đại trực tràng như thay đổi thói quen đi đại tiện, đi ngoài ra máu.. thì nên đi soi đại trực tràng chẩn đoán ngay dù chưa tới 50 tuổi, đây được gọi là chẩn đoán sớm.
- Đối tượng là người lớn có nguy cơ trung bình, có nghĩa tất cả người lớn trừ người có nguy cơ ung thư cao. Ví dụ: Người có tiền sử gia đình mắc hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền như bệnh đa polyp tuyến có tính chất gia đình, hội chứng Lynch… sẽ có chương trình sàng lọc riêng.
- Marker ung thư (trừ xét nghiệm AFP trong sàng lọc ung thư gan, PSA trong ung thư tiền liệt tuyến) không có vai trò trong sàng lọc ung thư.
ThS. BS Trịnh Thế Cường cũng đưa ra một hướng dẫn sàng lọc dựa theo hướng dẫn sàng lọc ung thư của Hiệp hội ung thư Mỹ, chương trình sàng lọc ung thư của Hàn Quốc, Nhật Bản có điều chỉnh phù hợp với điều kiện ở Việt Nam để người dân tham khảo.