Tưởng chừng như hiếm gặp song do không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng nên bệnh Whitmore (bệnh melioidosis hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") thường được phát hiện muộn. Tình trạng bệnh tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống chỉ sau 48 giờ nhập viện.
Mỗi năm, Thái Lan đều chứng kiến hàng nghìn ca bệnh Whitmore (bệnh melioidosis hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") tại các vùng nông nghiệp thâm canh. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm này có thể lên tới 75% ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Đây còn là căn bệnh truyền nhiễm gây chết người thứ ba ở Thái Lan, chỉ đứng sau AIDS và bệnh lao.
Bệnh truyền nhiễm chết người
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng phân loại loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là một vi sinh vật có thể được sử dụng như một “tác nhân khủng bố sinh học”, xếp nó vào cùng loại với bệnh than. Mặc dù loại khuẩn này chưa bao giờ được sử dụng trong khủng bố sinh học, nhưng cách phân loại trên cũng phần nào phản ánh mối nguy hiểm của nó đối với con người.
Không chỉ ở Thái Lan, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei còn được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới từ Đông Á đến cận Sahara, châu Phi cũng như châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Hàng năm, tại Thái Lan có hàng nghìn ca mắc Whitmore. Trong số những người bị nhiễm bệnh, khoảng 40% người tử vong ngay cả khi họ đã được điều trị. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh và uống thuốc kháng sinh hiệu quả kịp thời, tỷ lệ tử vong còn cao hơn rất nhiều, đến 90%.
Việc chẩn đoán sớm làm gia tăng cơ hội sống sót nhưng đây là quá trình gặp nhiều vấn đề nhất vì các triệu chứng ở mỗi bệnh nhân lại khác nhau.
Căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1911 tại Yangon (Myanmar), nhưng sau đó đã được các bác sĩ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam chú ý đến khi nhiều thương binh bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước. Người Mỹ từng gọi căn bệnh này là “bom hẹn giờ Việt Nam” vì những người lính bị phơi nhiễm thường không biểu hiện các triệu chứng cho đến khi họ trở về nhà.
Nguy hiểm đến vậy song trong nhiều thập kỷ qua, bệnh Whitmore dường như không nằm trong mối quan tâm của các tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu. “Đối với mọi người, đây chỉ là căn bệnh ở Đông Nam Á và Australia. Nhưng chúng tôi phát hiện ra căn bệnh này đã lan ra rất nhiều khu vực khác của toàn cầu”, Tiến sĩ Eric Bertherat làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2016 trên tạp chí Nature Microbiology chỉ ra vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sinh sống trong đất và nguồn nước của 45 quốc gia và có khả năng lây lan ra 34 quốc gia khác. Tất cả những nước này có vị trí địa lý bao quanh khu vực nhiệt đới. Nghiên cứu này dự báo một gánh nặng tiềm ẩn của căn bệnh này lớn hơn nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ, với số ca mắc mỗi năm có thể lên 165.000 ca.
Con số đó tương đương với số ca bệnh dại hàng năm và là một bệnh lý nghiêm trọng. Với tỷ lệ tử vong cao, nghiên cứu ước tính có khoảng 90.000 ca tử vong mỗi năm do bệnh Whitmore , tương đương với số ca mắc sởi và gấp vài lần so với bệnh sốt xuất huyết.
Loài vi khuẩn ‘khó nhằn’
Theo Tiến sĩ Bart Currie - nhà vi sinh vật học tại Trường Nghiên cứu Y tế Menzies ở Australia, bệnh Whitmore có thể đã giết chết nhiều người trong hàng chục năm qua nhưng những ca bệnh có thể bị bỏ sót. Các nhà khoa học chỉ ra căn bệnh này không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Những triệu chứng như sốt, nhiễm trùng máu đều có thể xảy ra đối với những người bị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác gây ra. Chính vì vậy, giới khoa học thường mô tả bệnh melioidosis là một "kẻ mạo danh đại tài".
Về cơ bản, khuẩn Burkholderia pseudomallei đề kháng với nhiều loại kháng sinh thường được kê trong các đơn thuốc. Nếu như được chăm sóc cẩn thận và tiếp cận với các loại thuốc thích hợp, tỷ lệ tử vong ở người bệnh có thể giảm xuống khoảng 1/10. Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh có thể sống sót sau khi bị nhiễm khuẩn này nếu được điều trị kịp thời.
“Bằng không, cái chết sẽ đến rất nhanh chóng. Có nhiều người đã được điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả trong một thời gian. Nhưng đến thời điểm các bác sĩ chẩn đoán là bệnh melioidosis, bệnh nhân đã qua đời”, Tiến sĩ Direk Limmathurotsakul - nhà vi sinh vật học làm việc tại Đại học Oxford – giải thích.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hiếm khi lây từ người sang người. Tiến sĩ Currie nói rằng ở khu vực Đông Bắc Thái Lan, có tới một nửa dân số đã mắc bệnh và mang kháng thể chống lại loại vi khuẩn này.
Các nhà khoa học tin rằng loại vi khuẩn cư trú trong rễ của một số loài thực vật và có thể ăn amip. Loại vi khuẩn này tồn tại trong đất và nước của các vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là một loại vi sinh vật khó đối phó. Năm 1993, các nhà khoa học Thái Lan đã cho khuẩn Burkholderia pseudomallei vào nước cất tinh khiết. Trong suốt 16 năm, những con vi khuẩn này vẫn sống sót trong dung dịch đó mà không cần bất cứ thứ gì để duy trì sự tồn tại.
Bản năng sinh tồn cực mạnh và sự nguy hiểm của vi khuẩn này đã khiến các nhà khoa học Mỹ lo sợ. Tiến sĩ Donald Woods, người đã nghiên cứu Burkholderia pseudomallei trong nhiều thập kỷ làm việc tại Đại học Calgary, cho hay: “Tại Mỹ, loài khuẩn này chủ yếu được nghiên cứu như một tác nhân khủng bố sinh học”.
Chẩn đoán và cách điều trị
Theo các y bác sĩ, triệu chứng khi mắc Whitmore ở mỗi người là rất khác nhau và biểu hiện ở các bộ phận cơ thể khác nhau.
Phần lớn người bệnh sẽ biểu hiện triệu chứng trong 2-4 tuần sau khi bị phơi nhiễm với vi khuẩn gây bệnh. Nếu như bị nhiễm trùng máu và phổi, người bệnh có thể gặp khó thở, sốt, đau đầu, đau nhức cơ, da bị lở loét và có mùi hôi ở vết thương.
Một người có thể mắc bệnh Whitmore khi họ tiếp xúc trực tiếp với nước hoặc đất có mang vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Họ có thể bị phơi nhiễm qua vết thương hoặc trầy xước da; uống, hít phải bụi hoặc giọt nước bị ô nhiễm.
Các bác sĩ có thể điều trị bệnh Whitmore với một số loại thuốc để giảm các triệu chứng của bệnh. Đầu tiên, họ thường dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như ceftazidime hoặc meropenem trong 10–14 ngày. Sau thời gian này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường uống từ 3–6 tháng, bao gồm trimethoprim-sulfamethoxazole và axit amoxicillin-clavulanic. Một người phải hoàn thành điều trị theo liệu trình để làm giảm khả năng tái nhiễm.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, lịch trình di chuyển và xét nghiệm sinh hóa, bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, mủ, đờm và chụp CT.
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa chế tạo được vaccine ngừa căn bệnh này. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mọi người, các nhà khoa học đã đưa ra những khuyến cáo giúp giảm nguy cơ lây lan và nhiễm bệnh Whitmore. Đó là luôn che kín vết thương hở, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước và đất. Hãy mang ủng bảo vệ khi làm việc trong đất hoặc vũng nước. Nếu như làm việc tại một cơ sở y tế, nên đảm bảo các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, găng tay, áo bảo hộ.