Sụn khớp ở ngón tay cái dễ bị bào mòn, gây viêm, đau khi cầm nắm…, đây là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm khớp ngón tay cái.
Khớp ở cuối ngón tay cái được gọi là khớp yên ngựa, có đặc điểm giống như yên ngựa gồm các cấu trúc lõm (cong vào phía trong) và lồi (cong ra phía ngoài). Đặc điểm này cho phép ngón tay cái có thể cử động linh hoạt hơn các ngón khác nhưng lại cũng có thể bị mòn nhanh hơn, khiến sụn ngón tay cái dễ bị thoái hóa dẫn đến viêm khớp.
Viêm khớp ngón tay cái là sự phân hủy sụn ở khớp yên ngựa gây tình trạng viêm, đau khi cử động hoặc cầm nắm, cũng được hiểu là viêm xương khớp (hay còn gọi là thoái hoá khớp). Đây là loại viêm khớp phổ biến thứ hai ở bàn tay và là loại viêm khớp phổ biến nhất ở ngón tay cái. Ngoài nguyên nhân do sự lão hoá của lớp sụn, viêm khớp ngón tay cái cũng có thể xảy ra khi ngón tay này gặp các chấn thương, bị gãy trước đó.
Nếu ngón tay cái gặp khó khăn trong việc cử động, cầm nắm đồ vật, mở nắp chai, hộp... đó có thể là dấu hiệu của viêm khớp. Khi dây chằng và lớp sụn bắt đầu bị mòn, khớp yên sẽ lỏng ra, thậm chí rời khỏi vị trí. Do bị mất sụn, xương không còn lớp đệm nên dễ bị đau dù chỉ là một cử động nhỏ. Những điều này gây ra đau đớn và tổn thương cho khớp ngón tay cái. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: sưng, cứng và đau ở gốc ngón tay cái, khó khăn khi kẹp hoặc nắm chặt đồ vật...
Chẩn đoán và điều trị
Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm khớp ngón tay cái, bác sĩ sẽ hỏi về cơn đau, triệu chứng, tiền sử chấn thương ở ngón tay, bàn tay... để đưa ra chẩn đoán sơ bộ. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu kiểm tra cử động ngón tay cái để xem mức độ cơn đau. Trong một số trường hợp, chụp X-quang cũng là phương pháp giúp xác định những tổn thương của xương, khớp hoặc sự hình thành gai xương.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp ngón tay cái ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể đề nghị điều trị không phẫu thuật. Các phương pháp có thể bao gồm: chườm khớp từ 5 đến 15 phút vài lần mỗi ngày, dùng thuốc chống viêm như aspirin hoặc ibuprofen, dùng thanh nẹp hỗ trợ để giảm cử động của ngón tay cái, tiêm steroid tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Khi bệnh tiến triển ở mức nặng hơn và các biện pháp trên không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Có nhiều lựa chọn khác nhau mà bác sĩ có thể đề xuất như:
Hợp nhất xương: Việc hợp nhất các xương có thể sẽ làm giảm đáng kể mức cử động của ngón tay cái, hạn chế tổn thương.
Loại bỏ một phần khớp: Một phần khớp của ngón tay cái có thể bị bác sĩ cắt bỏ và ghép lại với một phần gân trong cơ thể bệnh nhân hoặc nhân tạo.
Phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị viêm khớp ngón tay cái cao hơn nam giới từ 10 đến 20 lần. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào tìm ra nguyên nhân của sự chênh lệch này, việc bảo tồn lớp sụn ngón tay cái được coi là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh.
Viêm khớp ngón tay cái sẽ làm hao mòn các khớp nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, hãy thăm khám và điều trị kịp thời để không bị các cơn đau làm phiền và mất chức năng vận động ở ngón tay cái.