Hen suyễn là căn bệnh khiến người mắc thường xuyên bị ho, thở khò khè hay khó thở. Đặc biệt, tình trạng này có thể trầm trọng hơn vào ban đêm.
Không có gì khó chịu hơn khi giấc ngủ bị gián đoạn vào ban đêm. Nhưng nếu bạn đang bị hen suyễn, việc thức giấc vào ban đêm, ho và thở khò khè có thể là chuyện thường gặp.
Đối phó với bệnh hen suyễn không phải là việc dễ dàng, nhưng đối với một số người, nó thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Ho về đêm, thở khò khè và khó thở làm phiền giấc ngủ được gọi là bệnh hen suyễn về đêm. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh trong ngày.
Phân loại tình trạng hen suyễn
Theo Mayo Clinic, bệnh hen suyễn không liên tục có nghĩa là bạn có các triệu chứng nhẹ lên đến 2 ngày/tuần và tối đa 2 đêm/tháng. Bệnh hen suyễn dai dẳng nhẹ sẽ tăng lên một bậc. Khi đó, bạn có các triệu chứng nhiều hơn 2 lần/tuần nhưng không thường xuyên hơn một lần/ngày.
Trong khi đó, hen suyễn dai dẳng vừa phải bao gồm các triệu chứng ít nhất một lần/ngày, cùng với hơn một đêm/tuần. Cuối cùng, bệnh hen suyễn dai dẳng nghiêm trọng có nghĩa là bạn có các dấu hiệu bệnh suốt cả ngày vào gần như mọi ngày, cùng với đó là tình trạng diễn ra thường xuyên vào ban đêm.
Bất kể tình trạng bệnh hen suyễn, bạn có thể nhận thấy khi bạn gặp các triệu chứng, chúng có nhiều khả năng bùng phát vào ban đêm hoặc chúng có vẻ tồi tệ hơn so với ban ngày.
Tại sao điều này xảy ra?
Theo India Times, hầu hết người bệnh đều bỏ qua tình trạng hen suyễn về đêm nhưng thực tế, nó rất nghiêm trọng và cần được điều trị hiệu quả. Có nhiều lý do có thể khiến bệnh hen suyễn của bạn trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm.
- Thay đổi nội tiết tố: Một số người lên cơn khó thở vào ban đêm và thức dậy thở hổn hển. Cơ thể trải qua những thay đổi nội tiết tố trong khi bạn ngủ, điều này có thể làm cho bệnh hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
Trong đêm, cơ thể có thể tiết ra mức hormone căng thẳng cortisol cao hơn, gây viêm đường hô hấp nhiều hơn. Một giả thuyết khác cho rằng vào ban đêm, những người bị hen suyễn có thể có số lượng các loại tế bào bạch cầu cao hơn bình thường. Tác nhân này liên quan đến sự khởi đầu của các triệu chứng hen suyễn. Điều này có vẻ tương quan với sự suy giảm chức năng phổi.
- Tư thế ngủ: Khi chúng ta ngủ, đường thở có xu hướng thu hẹp lại, lượng máu trong phổi tăng lên và hệ thống thoát nước từ xoang tăng lên. Tất cả điều này có thể khiến tình trạng hen suyễn nặng hơn vào ban đêm.
- Máy lạnh: Không khí lạnh dẫn đến mất độ ẩm trong đường thở có thể gây ra bệnh hen suyễn. Bạn có thể phải thức dậy nhiều hơn một lần vào ban đêm nếu ngủ trong phòng máy lạnh. Vấn đề này gia tăng trong mùa đông.
- Mạt bụi: Nếu nệm, gối và chăn bị dính mạt bụi, bạn có thể gặp vấn đề vào ban đêm. Lông thú cưng là một trong những nguyên nhân gây bệnh hen suyễn phổ biến khác.
- Nấm mốc: Nếu bị hen suyễn, bạn nên kiểm tra phòng ngủ thường xuyên để loại bỏ các mảng ẩm ướt vì nấm mốc có thể gây kích ứng đường đi của không khí và làm phiền giấc ngủ ngon của bạn.
Làm thế nào để ngủ ngon hơn khi bị hen suyễn?
Ngoài việc dùng thuốc theo quy định, dưới đây là những nguyên tắc bạn nên thực hiện để giảm nguy cơ lên cơn hen suyễn vào ban đêm.
Dọn dẹp phòng ngủ của bạn thường xuyên
Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ (AAFA), sử dụng máy hút với bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu quả cao để bẫy ve, rận và chất thải của chúng, đuổi chúng ra khỏi phòng ngủ của bạn. Nếu máy hút của bạn không có bộ lọc HEPA, bạn có thể mua thêm một bộ lọc đi kèm.
Giặt ga, chăn, gối bằng nước nóng hàng tuần
Bạn nên đảm bảo nước ít nhất là 54,5 độ C để có thể diệt mạt bụi. Sau khi giặt xong, bạn nên sấy nóng các sản phẩm này để hoàn toàn diệt vi khuẩn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Không khí lạnh khô hơn và gây nhiều phiền toái hơn cho những người bị hen suyễn nặng. Tùy thuộc vào nơi sống, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí trong phòng ngủ vào mùa đông.
Ngoài ra, mạt bụi phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm thấp, vì vậy, tăng cường độ ẩm bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của bạn có thể giúp ngăn chặn mạt bụi.
Không ngủ với thú cưng
Nếu bạn có nuôi thú cưng, hãy đảm bảo không cho chúng vào phòng ngủ để lông của chúng không rơi và dính vào thảm, ga, giường ngủ.
Nằm cao đầu khi ngủ
Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang, nằm thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chảy dịch mũi, gây ra cơn hen suyễn. Ngoài ra, nếu bạn bị trào ngược axit, nằm thẳng có thể khiến axit trào lên cổ họng nhiều hơn. Vì vậy, khi bạn ngủ, hãy giữ cho đầu hơi cao, AAFA gợi ý.
Kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ
Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ, những người mắc hen suyễn có thể có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ gây ra những khoảng ngắt quãng lặp đi lặp lại trong quá trình thở trong khi bạn ngủ. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Vì vậy, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.
Tạo ra môi trường ngủ không có các tác nhân gây hen suyễn, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc ngăn ngừa tình trạng này tái phát vào ban đêm và có giấc ngủ ngon hơn.