Uống rượu có liên quan đến giảm khả năng mang thai
17:28 05/07/2021
Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ muốn thụ thai nên tránh uống nhiều rượu vì thậm chí uống rượu vừa phải cũng có thể làm giảm khả năng mang thai.
Một nghiên cứu về mối liên quan giữa uống rượu và khả năng mang thai cho thấy phụ nữ nên tránh uống nhiều rượu nếu đang muốn thụ thai. Trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, uống rượu vừa phải cũng có thể làm giảm khả năng mang thai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Human Reproduction, đã khảo sát lượng rượu và khả năng sinh sản, được định nghĩa là xác suất thụ thai trong một chu kỳ kinh nguyệt. Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét điều này theo các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Kira Taylor, phó giáo sư dịch tễ học và sức khỏe dân số tại Trường Y tế Công cộng và Khoa học Thông tin Đại học Louisville (Kentucky, Hoa Kỳ), đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Mount Sinai về Nữ nhân viên văn phòng.
Phụ nữ từ 19-41 tuổi được theo dõi trong khoảng thời gian từ 1990-1994, tối đa 19 chu kỳ kinh nguyệt. Những người tham gia sẽ hoàn thành nhật ký hàng ngày, báo cáo họ đã uống bao nhiêu rượu, loại rượu nào, cung cấp mẫu nước tiểu vào ngày đầu tiên và ngày thứ hai của mỗi chu kỳ kinh nguyệt để kiểm tra xem có thai hay không.
Mức độ uống nhiều được định nghĩa là hơn 6 ly đồ uống có cồn, uống vừa phải là 3-6 ly một tuần và uống rượu say là 4 ly trở lên trong 1 ngày. Mỗi đồ uống bao gồm 1/3 lít bia (355 ml), 1 ly rượu vừa (148 ml), hoặc chỉ dưới một ly rượu mạnh gấp đôi (44 ml). Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử bệnh, hút thuốc, béo phì, sử dụng các phương pháp ngừa thai và ý định mang thai. Dữ liệu về 413 phụ nữ có sẵn cho nghiên cứu hiện tại.
Tiến sĩ Taylor cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng uống nhiều rượu trong bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ kinh nguyệt có liên quan đáng kể đến việc giảm xác suất thụ thai so với những người không uống rượu. Điều này rất quan trọng vì một số phụ nữ đang cố gắng thụ thai có thể đang tin rằng việc uống rượu là 'an toàn' những giai đoạn nhất định của chu kỳ kinh nguyệt.
Trong giai đoạn hoàng thể, tức là 2 tuần cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt trước khi bắt đầu ra máu và khi quá trình thụ thai xảy ra, không chỉ uống nhiều rượu mà cả uống vừa phải cũng có liên quan đáng kể đến khả năng thụ thai.
Vào thời điểm rụng trứng, thường là vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ, uống nhiều rượu có liên quan đáng kể đến việc giảm cơ hội thụ thai".
So với những người không uống rượu, cả uống ở mức độ vừa và nhiều trong giai đoạn hoàng thể đều có thể làm giảm tỷ lệ thụ thai khoảng 44%. Uống nhiều rượu trong thời kỳ rụng trứng của chu kỳ có liên quan đáng kể đến khả năng mang thai, giảm tới 61%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây đều là những ước tính và cần được xử lý một cách thận trọng.
Tiến sĩ Taylor nói: "Nếu chúng ta giả định rằng một phụ nữ điển hình, khỏe mạnh, không uống rượu trong dân số nói chung đang cố gắng thụ thai có khoảng 25% cơ hội thụ thai trong một chu kỳ kinh nguyệt, thì trong số 100 phụ nữ có khoảng 25 người không uống rượu sẽ thụ thai ở chu kỳ cụ thể, khoảng 20 người uống rượu vừa phải và chỉ khoảng 11 người nghiện rượu nặng sẽ thụ thai.
Nhưng tác dụng của việc uống rượu vừa phải trong giai đoạn hoàng thể rõ ràng hơn và chỉ có khoảng 16 người uống vừa phải sẽ thụ thai.
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ bao gồm vài trăm phụ nữ và chúng tôi tin rằng kết quả cho thấy việc uống rượu ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tỷ lệ phần trăm và con số chính xác nên được xem như ước tính sơ bộ”.
Nghiên cứu không thể chỉ ra rằng uống rượu làm giảm khả năng mang thai mà chỉ là có mối liên hệ với nhau. Các cơ chế sinh học có thể giải thích là do uống rượu ảnh hưởng đến các quá trình liên quan đến rụng trứng, do đó không có trứng nào được phóng thích trong thời kỳ rụng trứng của chu kỳ và rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng trứng đã thụ tinh trong tử cung.
Hạn chế của nghiên cứu bao gồm thực tế là không phải tất cả phụ nữ đều cố gắng thụ thai; mức độ uống rượu đã tăng lên kể từ thời điểm nghiên cứu và phụ nữ trong nghiên cứu trung bình gầy hơn phụ nữ hiện nay; nghiên cứu sử dụng dữ liệu tự báo cáo và phụ nữ có thể khai báo không chính xác tần suất uống rượu của họ; và ảnh hưởng của việc uống rượu ở người đàn ông không được đánh giá.
Tiến sĩ kết luận: "Cuối cùng, kết quả trong nghiên cứu này không phải là uống rượu sẽ giúp tránh thai. Nói cách khác, rượu không phải là biện pháp tránh thai. Ngay cả khi phụ nữ uống rượu nhiều, nếu giao hợp không được bảo vệ, thì khả năng có thai vẫn hoàn toàn xảy ra”.