Trời nắng mẹ bỉm sữa đua nhau tắm lá giải nhiệt mà không biết có thể vô tình giết con
17:15 02/06/2021
Vào mùa nắng nóng, việc tắm nước lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Những ngày này, Miền Bắc đang bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội có lúc trên 40 độ C. Đây cũng là thời điểm khiến nhiều mẹ bỉm sữa lo lắng khi con liên tục ngứa ngáy, mọc rôm, nổi mụn trên da. Và các loại nước lá ở cửa hàng bán lá đến những loại rau, quả thông dụng như kinh giới, mướp đắng, chè xanh… được nhiều bà mẹ lựa chọn.
Theo các bác sĩ, trong dân gian, việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh là một việc hết sức quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau. Tuy nhiên, tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Bệnh viện Da liễu Hà Nội tiếp nhận nhiều trẻ đến viện khám bị nhiễm trùng trên da, nguyên nhân không ít do trẻ được các bà, các mẹ tắm nước lá.
BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, đã khám và điều trị cho một bé sơ sinh mới một tháng tuổi vào viện với tổn thương da rất nặng trên nền bệnh ghẻ. Bé được gia đình đưa đến viện trong tình trạng quấy khóc với nhiều nốt mủ nhiễm trùng trên da. Gia đình rất bất ngờ khi biết con mắc ghẻ.
Theo lời người nhà kể lại thấy trẻ nổi các nốt mẩn đỏ ngỡ bị ngứa, nóng thông thường nên đã đi mua lá về đun nước tắm theo kinh nghiệm truyền tai. Hậu quả là trẻ vừa bị dị ứng vừa nhiễm trùng bội nhiễm trên nền bệnh ghẻ.
Chính do quan niệm lá cây an toàn, chưa kể chỉ tắm ở bên ngoài da, chứ không phải uống vào trong cơ thể nên việc tắm lá càng được nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng trẻ.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhi N.T.B, 11 ngày tuổi trú tại huyện Hà Quảng - Cao Bằng nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vào ngày 19/5 trong tình trạng sốt cao liên tục, da toàn thân vàng đậm, quấy khóc, nôn trớ nhiều, khó thở, bú kém..
Theo lời kể người nhà, trẻ được sinh tại Bệnh viện huyện, sau khi ra viện về nhà trẻ được tắm bằng nước lá cây đun sôi theo dân gian vài lần.
Cách ngày vào viện 3 ngày, trẻ quấy khóc nhiều, da toàn thân vàng đậm màu, khó thở, bụng chướng căng được đưa đến Bệnh viện tỉnh điều trị.
Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm trẻ được chẩn đoán: Viêm ruột/Nhiễm khuẩn huyết, tình trạng trẻ rất nặng nề nên đã được chuyển lên Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Lý giải tình trạng này, các bác sĩ chuyên khoa da liễu cho biết, da trẻ nhỏ rất mỏng, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
Trong khi đó, các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.
Vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều cha mẹ quan niệm tắm lá vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không hóa chất nên an toàn cho da của trẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết, khi bị viêm da trẻ thường có biểu hiện sốt, quấy khóc, da toàn thân hoặc chỗ tiếp xúc mẩn đỏ, mọc mụn, nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lở loét ở từng vùng như loét niêm mạc miệng, mũi hoặc toàn thân, có thể có các biểu hiện của dị ứng nặng như sốc hay vô niệu.
Theo các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, không phải trường hợp nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da. Một số bài thuốc tắm trong dân gian với mướp đắng, lá chè tươi, chanh rất tốt cho trẻ, tuy nhiên, những loại lá, quả này cũng phải đảm bảo sạch, không có thuốc trừ sâu. Hơn nữa, không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này.
Để tránh mang lại những rủi ro không đáng có cho bé, thậm chí là những di chứng suốt đời, các mẹ nên tắm cho trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện không được hướng dẫn cẩn thận. Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.