Trào lưu TikTok gia tăng ám ảnh độc hại về ngoại hình
20:57 26/09/2022
Quay video kiểm tra cơ thể liên tục khiến nhiều cô gái bị ám ảnh với khiếm khuyết của bản thân, thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống.
Các clip kiểm tra cơ thể đang là xu hướng thống trị trên YouTube, với hashtag #bodycheck thu hút hơn 5,8 triệu lượt xem. Những người tham gia trào lưu được cổ vũ liên tục quan sát vóc dáng, đo cân nặng, xem xét các chỉ số trên cơ thể.
Theo Glamour, trào lưu này khiến nhiều người bị ám ảnh bởi việc kiểm tra vẻ ngoài, đến mức thực hiện nó cả trăm lần mỗi ngày và quay video. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không phải một "cánh cửa cần khóa", không có lý do gì để liên tục kiểm tra tình trạng của nó.
Theo các chuyên gia, nhận thức về cơ thể của mình là cần thiết, nhưng nên có chừng mực. Các video "body check" - tôn vinh một số kiểu vóc dáng hoặc đặc điểm cơ thể nhất định - có thể khiến một số người phải vật lộn tinh thần khi không sở hữu những đặc điểm ấy.
Sự quan sát cơ thể liên tục theo kiểu này, dù có ý thức hay vô thức, càng làm tăng những định kiến độc hại về ngoại hình.
Xu hướng này không sử dụng một đoạn nhạc hay mẫu video cụ thể. Ngược lại, nó được ngụy trang dưới nhiều từ khóa chủ đề khác nhau như #wellness, #thinspo, #workoutroutine, #whatieatinaday và #bodypositivity.
Trên video, người dùng (chủ yếu là các cô gái) soi mình trong gương ở nhiều góc độ, lấy tay đo vòng eo hoặc đứng lên cân. Nhiều người dùng bộ lọc để làm nổi bật một phần nào đó trên cơ thể.
TikToker có tài khoản @positively_fawizzle đã chủ động ghi lại "chỉ số cơ thể" trong một buổi tập gym. Trên video có tiêu đề "Tôi kiểm tra cơ thể mình bao nhiêu lần trong phòng tập", cô đã có tổng cộng 14 lần kiểm tra vóc dáng chỉ trong thời gian ngắn.
Glamour đã trò chuyện với Bác sĩ Tâm lý và Sức khỏe Noor Mubarak, từ Phòng khám Trị liệu Tư nhân, về việc "body check" là gì, tại sao người ta thực hiện nó và liệu TikTok có khiến vấn đề trở nên trầm trọng.
Noor giải thích "body check" là hành động đánh giá các khía cạnh khác nhau của cơ thể bạn.
"Nó có thể là tự cân, nhìn mình trong gương, đo các bộ phận trên cơ thể hoặc quay video vóc dáng từ các góc độ khác nhau. Cụ thể hơn đối với TikTok, kiểm tra cơ thể đã được nhìn thấy trong các trend như cố gắng vòng tay quanh eo hoặc video ghi lại quá trình giảm cân", vị bác sĩ nói.
Noor nói rằng kiểm tra cơ thể có tác động khác nhau với mỗi người. Với nhiều người, đây là hành động bình thường, họ tự cân đo cơ thể mỗi ngày hoặc nhìn mình chằm chằm trong gương mà không có suy nghĩ gì đặc biệt. "Nhưng nếu bạn thường xuyên bị ám ảnh với suy nghĩ phải kiểm tra cơ thể mình, có thể bạn cần một chuyên gia tư vấn tâm lý".
Theo bác sĩ, ghi nhận số đo giúp trấn an tạm thời những kỳ vọng về ngoại hình. Tuy nhiên, nó cũng có thể khiến người ta phát hiện nhiều khiếm khuyết hơn hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn ăn uống.
"Nhiều người kiểm tra cơ thể liên tục nhận thấy họ có xu hướng ăn uống hạn chế hơn và lặp lại hành vi quan sát bản thân nhiều hơn, đẩy họ vào một chu kỳ ám ảnh".
Noor nói rằng rất khó để tránh các video "body check" trên TikTok, bởi chúng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự ngẫu nhiên của các video xuất hiện trên TikTok, cùng với tính cá nhân hóa (được gọi là Trang dành cho bạn - For You Page) khiến người xem dễ dàng lướt trúng các nội dung này.
Noor đưa ra những lưu ý có thể hữu ích cho những người bị ám ảnh bởi việc kiểm tra cơ thể, giúp họ thoát khỏi vòng lặp:
- Hãy nhớ rằng những thay đổi trên cơ thể bạn khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Chỉ số có thể biến đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chu kỳ kinh nguyệt, tần suất đi vệ sinh, kiểu trang phục hoặc tâm trạng của bạn.
- Nên ghi nhật ký kiểm tra cơ thể: ghi lại thời điểm bạn muốn thực hiện nó, điều này giúp bạn có ý thức hơn và tránh quan sát ngoại hình quá nhiều lần.
- Thay thế thói quen kiểm tra cơ thể bằng một hành động khác, ví dụ như trò chuyện hoặc nhắn tin với bạn bè.
- Cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia, áp dụng các liệu pháp tâm lý nếu thấy mình bị ám ảnh với vẻ ngoài.