Nghiên cứu từ ĐH Birmingham cho thấy việc thường xuyên gặp ác mộng ở tuổi trung niên có thể là biểu hiện của chứng mất trí nhớ.
Nghiên cứu do Trung tâm Sức khỏe Não bộ thực hiện, công bố trên tạp chí eClinical Medicine, ngày 21/9. Sau khi phân tích hồ sơ y tế của các tình nguyện viên từ 35 đến 64 tuổi, các chuyên gia nhận thấy người gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao gấp 4 lần trong 10 năm tới, nguy cơ sa sút trí tuệ cao gấp hai lần.
Công trình cũng phát hiện đàn ông lớn tuổi gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao hơn so với phụ nữ.
"Hiện rất khó xác định ai sẽ mắc chứng suy giảm trí nhớ, đặc biệt là ở tuổi trung niên. Do đó, phát hiện mới này có thể giúp nhận biết sớm căn bệnh", giáo sư Abidemi Otaiku, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tuy nhiên, ông lưu ý công trình không chứng minh ác mộng là nguyên nhân gây ra mất trí nhớ. Hai tình trạng này chỉ liên quan đến nhau ở một mức độ nào đó.
Hiện suy giảm trí nhớ chưa có phương pháp điều trị. Các nhà khoa học đang tích cực làm việc để phát triển hình thức ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc bệnh.
"Có thể điều trị tình trạng ác mộng bằng thuốc hoặc các liệu pháp tâm lý. Điều này giúp ngăn chặn sự suy giảm nhận thức", Otaiku nói.
Sử dụng cơ sở dữ liệu từ năm 2002 đến năm 2012 từ Mỹ, giáo sư Otaiku và các đồng nghiệp đã thu thập thông tin của hơn 600 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 64, cùng 2.600 người từ 79 tuổi trở lên. Các tình nguyện viên nhóm đầu tiên được theo dõi 9 năm, nhóm thứ hai theo dõi 5 năm. Otaiku so sánh câu trả lời từ khảo sát về giấc ngủ và kết quả chẩn đoán chứng mất trí nhớ.
Hiện chưa rõ tình trạng ác mộng có liên quan ra sao tới hiện tượng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia phỏng đoán một số người bị suy giảm trí nhớ giai đoạn đầu có sự thoái hóa thần kinh trong não, đặc biệt ở vùng điều chỉnh cảm xúc tiêu cực khi tỉnh và mơ.
"Điều này biểu hiện qua những cơn ác mộng và trầm cảm trong độ tuổi trung niên, dẫn đến sa sút trí tuệ", ông nói.